Sáng 19/6, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam sau 3 năm xây dựng. Trong ảnh, ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đến Hội Nhà báo và những người làm báo. Phó Chủ tịch nước tin tưởng và mong rằng, với những giá trị lưu giữ được, bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước, cách mạng, một trung tâm nghiệp vụ. Từ đó, bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, bắt nhịp đời sống báo chí trong cả nước và trên thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khai trương bảo tàng. (Ảnh: Sơn Hải)
Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống của các thế hệ người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ năm 2017.
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.
Bảo tàng trưng bày các hiện vật báo chí qua 5 thời kỳ: giai đoạn 1865-1925; giai đoạn 1925-1945; giai đoạn 1945-1954; giai đoạn 1954-1975 và từ năm 1975 đến nay. Không gian trưng bày được bố trí trong diện tích gần 1.500m2. 95% hiện vật được trưng bày là hiện vật gốc, phần còn lại là phục chế. Đội kỹ thuật viên chuyên nghiệp sẽ giúp phục chế, sắp xếp lại theo đúng cái có sẵn.
Các không gian được trưng bày và bố trí triệt để trên các diện trưng bày khác nhau như trưng bày các giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật; tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.
“Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với các bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thể hiện những hình ảnh chân thực nhất, đặc biệt đối với kỷ vật của các nhà báo. Chúng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ và những kỷ vật hiến tặng của các nhà báo lão thành”, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết.
Sau lễ khai trương, hệ thống Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức đón khách tham quan từ 19/6.