Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Indonesia dự định đánh thuế thu nhập 35% để khôi phục kinh tế hậu đại dịch

(VTC News) -

Những người có thu nhập hơn 350.000 USD một năm phải đối mặt với mức thuế mới, bên cạnh việc tăng thuế VAT và các mức thuế khác.

Trong nỗ lực phục hồi ngân khố hậu đại dịch COVID-19, Indonesia đang xem xét một cuộc đại tu thuế bao gồm các chương trình bổ sung thuế VAT vào thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tăng thuế suất cho các cá nhân có thu nhập cao và các nhà phát thải carbon.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây yêu cầu quốc hội thảo luận về các đề xuất sửa đổi luật năm 1983 về thuế. Một bản dự thảo bị rò rỉ về các đề xuất này cho thấy chính phủ đang xem xét mức thuế mới cho những người có thu nhập cao nhất; một loại thuế carbon mới; bên cạnh đó mở rộng phạm vi thuế VAT đối với thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội,...

(Ảnh minh họa: EPA)

Nhu cầu thu thêm thuế của Indonesia xuất hiện sau khi thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 6,09% GDP vào năm ngoái. Jakarta đã cho phép thâm hụt tăng lên để đối phó với đại dịch nhưng tuyên bố sẽ đưa thâm hụt trở lại trong giới hạn pháp lý là 3% GDP vào năm 2023. Chính phủ hy vọng rằng nếu các cải cách thuế được tiến hành vào năm tới như kế hoạch, họ sẽ không cần tìm thêm đến các khoản vay nước ngoài, vốn đã lên tới 418 tỷ USD tính đến tháng 4.

Mấu chốt của kế hoạch là tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, được định nghĩa là những người có thu nhập hàng năm ít nhất là 347.540 USD. Người nộp thuế Indonesia hiện được nhóm thành 4 nhóm, có mức thuế suất từ ​​5% đến 30%.

Theo đề xuất sửa đổi, những người có thu nhập cao nhất sẽ bị đánh thuế 35%, cao hơn 5% so với hiện tại. Để so sánh, Singapore thực hiện thuế suất thu nhập từ 0% đến 22%, trong khi mức thuế suất của Malaysia từ 0% đến 30% và của Hong Kong là từ 2% đến 17%.

Đồng thời, Indonesia đang có kế hoạch khởi động lại chương trình "ân xá" thuế lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2016 để cho phép các cá nhân giàu có tiết lộ tài sản không khai báo của họ và giải quyết các khoản thuế liên quan mà không bị phạt. Khi chương trình lần đầu tiên được giới thiệu, khoảng 4,813 nghìn tỷ rupiah (tương đương 334,5 triệu USD) tài sản không được khai báo đã được tiết lộ.

Bhima Yudhistira, giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật có trụ sở tại Jakarta, hay Celios, cho rằng mức thuế 35% thậm chí vẫn còn chưa đủ.

“Chính phủ nên đánh thuế suất từ ​​40% đến 45%... Đây là một động thái tốt, nhưng việc giám sát sẽ hơi phức tạp".

Bhima cho biết vẫn còn rất nhiều "thủ đoạn" mà người giàu có thể sử dụng để trốn thuế, chẳng hạn như giao dịch xuyên biên giới, lưu ý rằng những thủ đoạn như vậy không dừng lại sau chương trình ân xá năm 2016. Ông cho biết nhiều người giàu không có số ID thuế và một số thậm chí đã thay đổi quốc tịch để trốn thuế.

Đánh thuế người giàu có thể là một con đường cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, khi nước này được cho là sẽ có sự gia tăng lớn nhất về số các cá nhân có thu nhập cao trên thế giới, thậm chí hơn cả Trung Quốc.

Báo cáo Wealth Report 2021, được công bố bởi công ty tư vấn Knight Frank có trụ sở tại London vào tháng 3, dự đoán số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao hoặc những người có giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD ở Indonesia sẽ tăng 67% hàng năm từ 2021 đến 2025.

Một nghiên cứu của MGM Research vào năm 2019 ước tính có 756 người Indonesia với tài sản ròng hơn 30 triệu USD và 401 người trong số họ đang sống ở Jakarta. Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Indonesia, cộng lại tổng tài sản của tất cả những người Indonesia có ít nhất 346.201 USD trong ngân hàng sẽ lên tới 29 tỷ Rupiah tính đến tháng 4 - tăng gần 15% so với năm trước.

Các nhà kinh tế nhìn chung đồng ý rằng Indonesia cần cải cách chính sách thuế. Doanh thu từ thuế chỉ đóng góp 8,94% GDP của Indonesia vào năm ngoái, giảm từ 10,73% vào năm 2019. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thuế của Indonesia thấp hơn mức trung bình của các nước đang phát triển là 27,8%.

Tuy nhiên, đề xuất mở rộng thuế VAT sang lương thực, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang gây tranh cãi, trong bối cảnh sức mua của công chúng giảm sút do dịch bệnh.

Phương Anh

Tin mới