Ngày 22/10/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND kế hoạch thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, việc thực hiện xóa nhà tạm nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhằm huy động,vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tầng lớp Nhân dân hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với quyết tâm “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh” theo tinh thần Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo còn quá khó khăn về nhà ở, nơi ở an toàn.
Từ đó, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khănvươn lên trong cuộc sống. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bình Định sẽ dành 46,85 tỷ đồng để thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho 1.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo. (Ảnh minh họa).
Về đối tượng được hỗ trợ nhà ở bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý hàng năm và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Kế hoạch này có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm, đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
Kế đến là đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
Về điều kiện được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách do UBND cấp xã quản lý hàng năm chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc) theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TTBXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Thứ hai là những hộ chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì phải thuộc các đối tượng nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra (Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa hay xây dựng lại).
Thứ ba là thửa đất dự kiến xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản xác nhận phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để làm nhà ở và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Tổng số hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ là 1.056 hộ (hộ nghèo 714 hộ; hộ cận nghèo 342 hộ). Trong đó, xây dựng mới nhà ở là 818 hộ; Sửa chữa nhà ở là 238 hộ.
Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới nhà ở là 50 triệu đồng/hộ gia đình. Hỗ trợ sửa chữa nhà ở là 25 triệu đồng/hộ gia đình. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.
Tổng kinh phí thực hiện là 46.850.000.000 đồng. Nguồn kinh phí được trích từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.