Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo được Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9 vừa qua.
Yêu cầu nộp thuế
Theo Nghị định mới này, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được xác định là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải nộp thuế theo quy định. (Ảnh minh họa)
Các trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người dùng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn, trò chuyệt (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Nghị định cũng nhấn mạnh, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, về an ninh mạng, quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; đồng thời phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi hoạt động gồm: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có). Cùng với đó là đầu mối liên hệ, tên tổ chức cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.
Bóp nghẹt các hoạt động quảng cáo có dấu hiệu vi phạm
Cũng theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật. Đồng thời phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.
Các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm sẽ bị bóp nghẹt. (Ảnh minh họa)
Đối với người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm. Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Theo quy định này, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm, trong 5 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm, gửi yêu cầu xử lý đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Nghị định mới quy định, sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, các tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện xử lý vi phạm. Nếu các tổ chức cá nhân này không xử lý theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo vi phạm này.
Trong trường hợp phát hiện các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được các tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu.
Với những giải pháp quản lý mới trên sẽ góp phần siết chặt hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook. Các nền tảng này đang chiếm phần lớn thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng lại liên tục để xảy ra tình trạng vi phạm khi nhiều sản phẩm, dịch vụ không phép tràn lan, quảng cáo game lậu, bài bạc, chất kích thích...