Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự bành trướng của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái Biển Đông

(VTC News) -

Các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông như bồi đắp trái phép đảo nhân tạo, đánh bắt kiểu tận diệt đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái vùng biển này.

Trong báo cáo công bố mới đây, Quỹ nghiên cứu Observer (ORF) phân tích tác động môi trường từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Hệ sinh thái ở Biển Đông vốn đang phải "gồng mình" dưới áp lực của một trong những tuyến hàng hải quốc tế bận rộn nhất thế giới lại phải hứng chịu thêm các hoạt động đánh bắt quá mức, khai thác ngao, nạo vét để xây dựng các đảo nhân tạo và kỹ thuật thủy lực cắt phá của Trung Quốc", ORF khẳng định.

Đối với Trung Quốc, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân nước này. Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tiêu thụ khoảng 38% lượng thủy sản toàn cầu. Hành động đánh bắt theo kiểu tận diệt, bất hợp pháp xuất phát từ nhu cầu đó khiến nguồn cá ở các khu vực ven biển của Trung Quốc cạn kiệt nhanh chóng.

Hoạt động bành trướng của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái ở Biển Đông. (Ảnh; ANI)

Trung Quốc hiện mất 1/2 diện tích đất ngập nước ven bờ, 57% rừng ngập mặn và 80% rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sinh sản, tìm kiếm thức ăn của cá và các loài hải sản khác. 

Theo ORF, ngư dân Trung Quốc ra khơi xa hơn, đánh bắt sâu hơn và sử dụng các kỹ thuật đánh báo bằng chất nổ, xyanua. Điều này đe dọa tới môi trường sống của các sinh vật biển. 

Các vụ nổ bằng động lực không chỉ giết chết nhiều sinh vật biển, mà còn phá hủy các rạn san hô nơi chúng sinh sản. Trong khi đó, việc sử dụng xyanua làm tăng tốc độ tẩy trắng các rạn san hô và đôi khi giết chết chúng. 

Các phương pháp đánh bắt này được sử dụng ở độ sâu lớn nên tác động tới cả đáy biển. 

Báo cáo của ORF nhấn mạnh hoạt động cải tạo trái pháp các đảo và đá ngầm, tạo ra các bãi đá mới của Bắc Kinh, dẫn tới việc phá hủy các rạn san hô. Việc nạo vét trên các đảo này, cắt xuyên đủ loại vật chất từ đá cứng đến trầm tích mềm cũng ảnh hưởng tới môi trường sống của các sinh vật trong khu vực.  

Ngoài ra, kỹ thuật thủy lực cắt phá của Trung Quốc phục vụ cho hoạt động khai thác dầu ngoài khơi của nước này gây ra mối nguy hiểm đáng kể với môi trường. Hoạt động này thải ra một lượng lớn chất lỏng, chất rắn và khí vào nước, gây tổn hại đến hệ sinh thái và gây nguy hiểm cho các loài sinh vật sống gần đó. 

Các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, việc lắp đặt các giàn khoan, thăm dò và khai thác hydrocacbon, vận chuyển dầu và khí tự nhiên gây ra thiệt hại cho đáy biển.

Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đều tiến hành các hoạt động tôn tạo tại các khu vực mình kiểm soát. Tuy nhiên, quy mô tôn tạo và xây dựng của Trung Quốc lớn hơn rất nhi​ều. 

Song Hy (Nguồn: ANI)

Tin mới