Theo BBC, hàng nghìn người sẽ tham dự lễ lên ngôi của hoàng tử Misuzulu Zwelithini theo truyền thống của người Zulu vào hôm nay 20/8 tại cung điện KwaKhangelamankengane. Hoàng tử Misuzulu cũng sẽ thực hiện nghi thức bí mật để các thành viên hoàng gia giới thiệu vị vua mới với tổ tiên. Sau đó ông sẽ làm lễ ra mắt thần dân, những người nguyện công nhận ông là vua của họ.
Cũng trong buổi lễ đăng quang, hoàng tử Misuzulu sẽ phải mặc lên mình bộ lông sư tử do chính ông săn được vào hôm 18/8 tại khu bảo tồn thác Mkuze, nghi thức cuối cùng trước khi đăng quang.
Hoàng tử Misuzulu (đứng giữa) cùng các chiến binh Zulu mặc trang phục truyền thống trong buổi lễ ở Cung điện Hoàng gia KwaKhangelamankengane, Nam Phi tháng 5/2021. (Ảnh: Sunday Times)
Hoàng tử Misuzulu Zwelithini sẽ kế vị cha mình là Vua Goodwill Zwelithini, người qua đời tháng 3 năm ngoái sau 50 năm nắm quyền.
Vua Zulu không có ảnh hưởng chính trị, cũng không phải là ngôi vị được hiến pháp công nhận ở Nam Phi, song quyền lực của ông được công nhận ở KwaZulu-Natal, nơi ông được cho là "trị vì nhưng không cai trị".
Sau khi lên ngôi vua, hoàng tử Misuzulu Zwelithini cũng sẽ được chính phủ Nam Phi công nhận vai trò đối với cộng đồng người Zulu ở KwaZulu-Natal.
Tiếng nói của Vua Zulu từ lâu đã có ảnh hưởng lớn đối với 11 triệu người Zulu, nhóm dân tộc lớn nhất Nam Phi, chiếm gần 1/5 dân số cả nước. Vua Zulu còn đóng vai trò quan trọng trong thu hẹp khoảng cách giữa phong tục tập quán truyền thống và thể chế hiện đại ở Nam Phi.
Cũng trong nghi thức đăng quang của hoàng tử Misuzulu, chỉ những thành viên được lựa chọn của hoàng gia và các chiến binh Zulu, được gọi là Amabutho, mới được phép chứng kiến nghi thức này, trong khi đám đông lớn dự kiến tập trung tại cung điện KwaKhethomthandayo.
Cung điện KwaKhethomthandayo hay còn được gọi là dinh thự hoàng gia Zulu nằm ở Nongoma, thị trấn nhỏ thuộc tỉnh KwaZulu-Natal, miền đông Nam Phi.
Việc hoàng tử Misuzulu Zwelithini lên ngôi cũng tạo nên nhiều tranh cãi trong thành viên hoàng gia Zulu bởi nhà vua quá cố Goodwill Zwelithini để lại di chúc chỉ định hoàng hậu Mantfombi Shiyiwe Dlamini Zulu giữ vai trò nhiếp chính. Tuy nhiên, bà Mantfombi cũng qua đời sau đó một tháng, khiến việc kế vị ngai vàng Zulu rơi vào hỗn loạn.
Tiếng nói của Vua Zulu từ lâu đã có ảnh hưởng lớn đối với 11 triệu người Zulu, nhóm dân tộc lớn nhất Nam Phi. (Ảnh: BBC)
Vài giờ sau tang lễ của hoàng hậu Mantfombi tháng 5/2021, hoàng gia Zulu tổ chức buổi lễ công bố di chúc của bà. Theo di chúc, bà Mantfombi chỉ định hoàng tử Misuzulu, con trai cả của bà với cố vương Goodwil, làm vua Zulu.
Tuy nhiên, hỗn loạn xảy ra khi một hoàng tử khác lên tiếng phản đối và làm gián đoạn buổi lễ. Hai công chúa khác cũng đặt câu hỏi liệu cố vương Zwelithini có thực sự trao quyền chỉ định người kế vị cho Mantfombi hay không.
Vua Zwelithini lấy nhiều vợ và có tổng cộng 28 người con. Mantfombi không phải vợ cả của vua Zwelithini.
Tại cuộc họp báo ở Johannesburg hôm 18/8, một số anh em của vua Zwelithini đã từ chối công nhận người thừa kế và đề cử hoàng tử thứ ba lên ngai vàng. "Vương quốc Zulu đã trở thành trò cười", phát ngôn viên vương quốc, hoàng tử Mangosuthu Buthelezi, nói. Mangosuthu ủng hộ Misuzulu kế vị ngai vàng.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng 3 đã công nhận Misuzulu là vị vua hợp pháp của người Zulu.
Các vị vua Zulu là hậu duệ của vua Shaka, lãnh đạo ở thế kỷ 19 vẫn được tôn kính vì đã thống nhất một vùng rộng lớn của đất nước thành quốc gia Zulu.