Áp lực mới nhất với Israel là vào hôm 7/6, Israel được thông báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc bổ sung quân đội nước này vào danh sách toàn cầu phạm tội xâm phạm trẻ em. Nhiều nước khác mong muốn thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel và Palestine - vốn đã bị đình trệ từ lâu.
Các binh sĩ Israel. (Ảnh: Shutterstock)
Đặc phái viên của Israel tại Liên hợp quốc, ông Gilad Erdan cho biết ông đã được Chánh văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo rằng người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã bổ sung quân đội Israel vào danh sách toàn cầu những kẻ phạm tội xâm phạm trẻ em.
Ông Erdan nói: “Tôi vô cùng sốc và phẫn nộ trước quyết định của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Quyết định này sẽ chỉ giúp đỡ những kẻ khủng bố và mang lại lợi ích cho Hamas. Bây giờ Hamas sẽ tiếp tục sử dụng nhiều hơn nữa trường học và bệnh viện làm căn cứ bởi vì quyết định này sẽ chỉ mang lại cho Hamas hy vọng sống sót và sẽ chỉ kéo dài xung đột và đau khổ”.
Đặc phái viên của Israel tại Liên hợp quốc cũng đăng đoạn video mà ông trao đổi với Chánh văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc lên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric.
“Trở lại với sự kiện sáng sớm nay, chánh văn phòng của chúng tôi đã gọi điện cho đại diện thường trực của Israel, ông Gilad Erdan. Cuộc gọi này là phép lịch sự dành cho các quốc gia mới bị liệt kê trong phụ lục của báo cáo. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện đã bị ghi lại và bị công bố một phần trên mạng xã hội. Điều này đã gây sốc cho chúng tôi và là hành vi không thể chấp nhận. Thành thật mà nói tôi chưa bao giờ thấy điều này trong 24 năm làm việc tại Liên hợp quốc”, ông Dujarric cho biết.
Đây là một sức ép mới nhất mà cộng đồng quốc tế đang tạo ra với Israel với mong muốn quốc gia này ngừng bắn và chấm dứt xung đột ở dải Gaza.
Thủ tướng Israel Netanyahu thừa nhận: “Nhà nước Israel đang trong một chiến dịch khó khăn trên nhiều mặt trận. Chúng tôi đang chiến đấu ở cả phía Bắc và Nam dải Gaza, cũng như những gì xảy ra ở Bờ Tây. Các hành động của Israel được thực hiện trong bối cảnh áp lực quốc tế phức tạp đang gia tăng. Nhưng tôi xin nói rằng, những gì đã xảy ra không phải là những gì sẽ xảy ra; chúng tôi sẽ thay đổi thực tế này. Tôi tin tưởng các binh sĩ, các chỉ huy và cơ quan an ninh của chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho Israel”.
Trái ngược với Israel phải chịu sức ép, Palestine đang có thêm những hy vọng mới, khi 4 nước châu Âu, gồm Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha và Slovenia mới đây công nhận nhà nước Palestine. Điều này được kỳ vọng là chất xúc tác mới, góp phần thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.
Hiện phong trào phản đối hành động của Israel và ủng hộ Palestine cũng đang bùng nổ và lan rộng chưa từng có trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Hôm qua, Đức giáo hoàng Francis một lần nữa kêu gọi hòa bình ở Trung Đông tại một sự kiện tại Công viên Vatican đánh dấu kỷ niệm 10 năm buổi cầu nguyện có sự tham dự của Tổng thống Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkencũng thông báo kế hoạch trở lại Trung Đông để thúc giục Israel và Hamasđối thoại và ngừng bắn.