A Cai, một nhân viên văn phòng 34 tuổi ở Trung Quốc gần đây bị ho không rõ nguyên nhân, lúc đầu cô nghĩ chỉ là cảm lạnh thông thường nên uống nhiều nước và uống một ít si-rô ho.
Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư phổi giai đoạn đầu. Cô thắc mắc, bản thân sống rất lành mạnh, không hút thuốc, không uống rượu, không thức khuya, tại sao lại mắc ung thư bất ngờ như vậy?
Khi bị ho dai dẳng, bạn nên đi khám sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Đăng ký Ung thư Trung Quốc, mỗi năm nước này có khoảng 730.000 ca ung thư phổi mới được chẩn đoán, trong đó bệnh nhân nữ chiếm hơn 30%.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nhóm phụ nữ không hút thuốc lá gia tăng nhanh chóng. Vậy, các yếu tố nguy cơ là gì? Làm thế nào để phòng ngừa và phát hiện sớm?
Theo tình hình bệnh tình của A Cai, giáo sư Fan Hong, giám đốc điều hành khoa Phẫu thuật lồng ngực của bệnh viện Phúc Đán Trung Quốc đã sắp xếp một cuộc kiểm tra chi tiết cho cô ấy. Sau nửa năm theo dõi, người ta thấy rằng các nốt phổi của A Cai lớn hơn trước.
Giáo sư Fan Hong cho rằng, A Cai có khả năng mắc ung thư phổi giai đoạn đầu. Cô nên áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật cắt bỏ phân đoạn phổi.
So với cắt thùy phổi, mô phổi có thể bị mất ít hơn, có lợi cho quá trình phục hồi và phục hồi chức năng hô hấp sau mổ của bệnh nhân. Đối với một số bệnh nhân cụ thể cũng đạt được hiệu quả điều trị như vậy.
Khám sức khỏe định kỳ là việc đơn giản nhưng vô cùng hữu ích. (Ảnh minh họa)
Nhóm nguy cơ cao bị ung thư phổi
Giáo sư Fan Hong chỉ ra các nhóm rủi ro bao gồm các loại sau:
- Người sống lâu trong môi trường không khí bị ô nhiễm. Ô nhiễm không khí được chia thành hai loại là ô nhiễm không khí ngoài trời, bao gồm khí thải xe cộ, sương mù, khói bụi, bão cát, v.v.; ô nhiễm không khí trong nhà, chẳng hạn như khói bếp, khói thuốc và vật liệu trang trí nội thất.
- Nhóm người có người thân thế hệ thứ nhất (như cha mẹ, anh, chị, em ruột) mắc bệnh ung thư phổi.
- Người đang mắc các bệnh phổi mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi…
- Người có tiền sử u ác tính trước đó.
- Người có tiền sử tiếp xúc với nguyên tố phóng xạ radon.
- Những người làm việc với các chất có nguy cơ cao gây ung thư, chẳng hạn như nguyên liệu thô và phụ phẩm công nghiệp như asen, crom, amiăng, khói diesel, bụi và khói…
Thường xuyên chăm sóc sức khỏe của phổi và nên đi khám định kỳ. (Ảnh minh họa)
Không chủ quan với 'bệnh vặt'
Giáo sư Fan Hong đã đưa ra cách phòng ngừa bệnh:
- Tập thể dục nhiều hơn và duy trì thói quen sinh hoạt tốt.
- Ăn uống điều độ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng từ đạm chất lượng cao, rau củ quả…
- Đối với những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như những người trên 50 tuổi và hút thuốc lâu năm, có thể sử dụng giải pháp kiểm tra CT mức thấp để tầm soát ung thư phổi, đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư phổi.
- Cuối cùng, Giáo sư Fan Hong cũng nhắc nhở, nếu phát hiện những “bệnh vặt” như ho lâu ngày, tuyệt đối không được xem nhẹ, dù bận rộn đến đâu cũng phải đi khám và điều trị kịp thời.
Muốn không bị bệnh nặng, bạn cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc phòng bệnh và thăm khám sức khỏe thường xuyên hoặc bất kỳ khi nào có vấn đề bất thường.