Tranh cãi giữa 4 thành viên CLB Ngân hàng Công Thương và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) vẫn chưa dừng lại. Tính đến thời điểm này, chỉ có HLV Phạm Kim Huệ liên tục lên tiếng qua các phương tiện truyền thông. VFV cung cấp thông tin rất ít, ngoài án phạt được ký ngày 10/4 và lời giải thích ngắn gọn của chủ tịch Lê Văn Thành trên báo chí.
Độc giả VTC News có vẻ nghiêng về HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh. Nhiều người cho rằng dù chưa kết luận được bên nào đúng, bên nào sai nhưng việc VFV ra án phạt là không hợp lý về quy trình, quy chế.
HLV Phạm Kim Huệ.
Bạn đọc tên Khang bình luận: "Quy chế không có thì không thể nói là "đi đêm" được. Dựa vào cái gì mà cấm việc đàm phán? Nếu phạt vì đàm phán khi chưa hết thời hạn vì quy chế cấm thì phải phạt cả hai bên".
Độc giả Huỳnh Đức nêu quan điểm: "Xem qua một số bài viết, truyền hình VTC và căn cứ giải thích về Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt Nam của ông Trần Đức Phấn, tôi có cảm giác (thực ra tôi có cảm giác này cả tuần rồi) là ông chủ tịch VFV Lê Văn Thành có vấn đề. Vì sao yêu cầu mọi người giữ bí mật quyết định kỷ luật, vì sao lại tránh báo chí, vì sao hăng say ép kỷ luật thế?"
Trong khi Chủ tịch VFV Lê Văn Thành tuyên bố có đủ căn cứ để ra án kỷ luật, CLB bóng chuyền Vĩnh Phúc cũng khẳng định HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV đội Ngân hàng Công Thương vi phạm quy chế. Dù vậy, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thừa nhận quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với CLB này đàm phán với CLB khác.
Video: Phạm Kim Huệ kiên quyết phản đối án phạt từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam
Hôm qua (5/5), các bên liên quan đã ngồi lại với nhau trong một cuộc họp kéo dài 3 tiếng. Dù vậy, buổi trao đổi này chỉ là để 4 cô trò HLV Phạm Kim Huệ, đại diện CLB Vĩnh Phúc, chủ tịch VFV Lê Văn Thành trình bày và lắng nghe quan điểm, ý kiến của nhau. Chưa có quyết định nào được đưa ra về việc có hay không rút, nhận án phạt.
"Nghĩ cũng lạ. Bên bán đi đêm với bên mua (mặc dù luật không cấm) nhưng do không hiểu luật nên bị bể kèo. Thế mà bên mua đòi ông liên đoàn xử bên bán, ông liên đoàn cũng chạy theo", độc giả Khuất Thái Khương bình luận.
Tài khoản có tên Nguyễn Nhật Đãng đồng tình: "Nếu cầu thủ nếu chưa hết hợp đồng với câu lạc bộ, thì đừng có mơ đến cầu thủ của họ nhé. Nếu muốn, phải trả phí phá vỡ hợp đồng và giá trị của cầu thủ nữa chứ, còn tiền lót tay cho cầu thủ là chuyện riêng. Câu lạc bộ chủ quản người ta chưa làm gì, thế mà VFV đã vội xía vô làm gì?"
Độc giả Phạm Mùi: "Rõ ràng ông Lê Văn Thành không nắm vững nghiệp vụ quy chế của ngành khi đương chức chủ tịch VFV. May là HLV Phạm Kim Huệ chỉ khiếu nại chứ nếu phát đơn kiện thì mới là mệt".
Một số độc giả lại bày tỏ sự tiếc nuối khi sự kiện khiến cho bóng chuyền nhận được sự quan tâm lớn lại là những rắc rối nơi hậu trường.
"Cả một bộ môn lớn trong thể thao mà xem ra tổ chức không chuyên nghiệp gì cả. Buồn cho sự quản lý tồi của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam", một độc giả giấu tên nhận xét. Tài khoản tên Nguyễn Cương viết: "Bóng chuyền vừa được giới hâm mộ quan tâm thì lại lùm xùm, tiếc thật".
"Chúng tôi cho rằng quyết định kỷ luật chỉ bằng hình thức cảnh cáo đối với 4 HLV, VĐV này, sau những thiệt hại họ gây ra, đã thể hiện tinh thần quản lý, điều phối và phân xử nhân văn của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Dù là bên chịu thiệt hại nhưng sau khi cân nhắc đầy đủ các yếu tố lý, tình của vụ việc, CLB bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc quyết định không tiếp tục truy cứu trách nhiệm cũng như các khoản bồi thường đối với hành vi của HLV Phạm Kim Huệ và các VĐV", đại diện CLB bóng chuyền Vĩnh Phúc cho biết.