Khi đang kiểm tra những hiện vật liên quan đến ma trong hầm của Bảo tàng Anh ở London, Irving Finkel, một người phụ trách cấp cao tại bộ phận Trung Đông của bảo tàng, phát hiện ra hình vẽ và lời dịch các nghi thức kèm theo.
"Nghi thức này sẽ được thực hiện, tôi nghĩ trong trường hợp một hồn ma dai dẳng trong nhà. Đây thực sự không còn là một trò đùa, và rất nhiều người đã giật mình và không muốn nó tiếp tục nữa", Finkel cho biết.
Hình vẽ trên một phiến đá mô tả một con ma nam râu ria xồm xoàm bị một người phụ nữ dẫn xuống âm phủ bằng một sợi dây thừng. Một nghi lễ được khắc dọc theo bản phác thảo giải thích cách để loại bỏ những con ma nam là trao cho chúng một người yêu.
Phiến đá có hình vẽ ma lâu đời nhất thế giới của Babylon.
Bảo tàng Anh đã mua lại phiến đá này vào thế kỷ 19, cùng với hàng nghìn phiến đá khác từ Babylon, một thành phố cổ cách thủ đô Baghdad ở Iraq ngày nay khoảng 100 km về phía nam. Những phiến đá cung cấp thông tin chi tiết về cuộc sống ở Babylon và khu vực rộng lớn hơn, được gọi là Mesopotamia.
Phiến đá này nhỏ vừa lòng bàn tay. Finkel cho biết, hình khắc trên phiến đá thuộc một hệ thống chữ viết cổ từ Trung Đông đã mô tả một nghi lễ ma quái, nhưng anh không biết chính xác cho đến khi bắt đầu nghiên cứu cho cuốn sách mới của mình: "Những hồn ma đầu tiên", được phát hành vào ngày 11/11 năm nay.
Câu thần chú trên phiến đá không hoàn chỉnh, nhưng nó bắt đầu bằng cách gọi thần mặt trời Shamash, người chịu trách nhiệm cho việc đưa các hồn ma đến thế giới ngầm.