Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hiểm họa chết người có thể xảy ra trong những ngày nắng nóng

(VTC News) -

Đột quỵ, chết vì bật điều hòa ngủ trong ô tô hay do say nắng, say nóng... là những hiểm họa rất dễ xảy ra trong những ngày hè "rực lửa".

Trong những ngày nắng nóng, cần đề phòng những hiểm hoạ tiềm tàng có thể dẫn đến chết nếu chúng ta chủ quan, không để ý.

Say nắng dẫn đến chết người

Khi tiếp xúc với nắng gắt trong thời gian dài, cơ thể sẽ liên tục bị đẩy tới giới hạn chịu đựng. Ánh nắng chiếu trực tiếp vào đỉnh đầu, gáy, thái dương sẽ tàn phá vùng điều hòa thân nhiệt của hệ thần kinh, gây tình trạng hoa mắt, chóng mặt, biểu hiện của say nắng. 

Bình thường, thân nhiệt con người ở khoảng 37 độ C, nhưng khi say nắng có thể tăng lên đến 39, 40 độ C. Để bảo vệ tính mạng, lúc này cơ thể buộc phải tiết nhiều mồ hôi hơn để cân bằng nhiệt độ, dẫn đến tình trạng mất nước.

Say nắng có thể dẫn đến đột quỵ nếu không xử lý kịp thời. (Ảnh minh hoạ)

Nếu không được bổ sung nước kịp thời, cơ chế điều hòa thân nhiệt sẽ hoạt động không hiệu quả, dẫn đến rối loạn. Các tế bào trong cơ thể lúc này như sôi lên, phản ứng một cách dữ dội, biểu hiện là mặt đỏ bừng. Làn da khô dần vì mất nước, trong khi huyết áp cũng tụt dần, gây mất nhận thức.

Một số người còn bị ảo giác, hôn mê và co giật. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ, thậm chí tử vong…

Người bị say nắng cần được trợ giúp ngay lập tức. Dấu hiệu dễ thấy là bị ngất, trước đó họ có thể nói năng khác lạ, không mạch lạc hoặc có hành vi hung hăng. Bạn có thể giúp họ làm mát nhưng không được cho uống bất kỳ chất lỏng nào vào thời điểm này. Hãy chờ bộ phận chăm sóc y tế đến.

Đột quỵ do làm việc ở nhiệt độ cao 

Khi làm việc quá lâu dưới trời nắng hay trong môi trường có nhiệt độ cao, cơ thể rất dễ bị say nắng, say nóng, gây đột quỵ. Nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ mà nó thúc đẩy các yếu tố nguy cơ có sẵn như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... dẫn đến tai biến nguy hiểm nói trên

Người lao động làm việc trong ngày nắng có thể nguy hiểm tới tính mạng. (Ảnh: Dân sinh)

Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng cả người trẻ cũng có nguy cơ. Có những bạn trẻ 20 - 40 tuổi đã bị đột quỵ. Tai biến này ở người trẻ thường diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, đột quỵ dễ xảy ra trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà vào thời điểm 12 - 16h trong những ngày nắng đột biến; đảm bảo đủ nước và các phương tiện bảo hộ để giảm tác động của nhiệt và tia tử ngoại; đảm bảo môi trường làm việc, nghỉ ngơi thông thoáng.

Ăn uống đồ lạnh, dùng điều hòa

Trời nắng nóng, nhu cầu dùng quạt điện, điều hòa, ăn kem, uống nước đá hay tắm nước lạnh tăng và đây là các nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh đường hô hấp.

Viêm phổi là bệnh có tỷ lệ người mắc cao trong mùa hè, dễ xảy ra biến chứng rất nặng dẫn tới chết người. Tỷ lệ người nhập viện với những biến chứng nguy hiểm do sai lầm trong cách phòng và điều trị bệnh ngày càng gia tăng.

Ăn kem, uống đồ lạnh có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. (Ảnh minh hoạ)

Đối với những người có vấn đề về hô hấp từ trước, nhiệt độ cao trong nhà kết hợp với độ ẩm và chất lượng không khí có thể khiến việc thở trở nên đặc biệt khó khăn.  Môi trường nóng, ẩm trong mùa hè có thể là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc, hoặc khiến khói bụi trong không khí tồn tại gần mặt đất hơn.

Để phòng tránh bệnh này, cần cùng quạt, điều hòa hợp lý, không quá lạnh so với nhiệt độ ngoài trời để tránh viêm họng, tránh bị sốc nhiệt. Nên uống nước ấm có nhiều kiềm (nước khoáng, chè xanh). Nếu bị viêm họng thì cần điều trị.

Tử vong do bật điều hòa ngủ trong ô tô

Trong những ngày nắng nóng, nhiều người có thói quen vào xe ô tô, bật điều hoà mát lạnh để nghỉ ngơi và ngủ một giấc. Đây là việc làm nguy hiểm, có thể dẫn tới chết người.

Không gian trong ô tô nhỏ, hàm lượng oxy sẽ giảm dần khi điều hoà bật liên tục. Nếu không lấy gió ở bên ngoài, không khí không có sự lưu thông, hàm lượng khí carbon monoxide (CO) sẽ tăng. Loại khí này khiến người ngủ trong xe bị ngộ độc, hôn mê, dễ dẫn đến tử vong.

Bật điều hoà ngủ trong xe ô tô giữa trời nắng có thể gây chết người. (Ảnh minh hoạ)

Ở một số ô tô hiện đại, dù ở chế độ lấy gió trong, thỉnh thoảng điều hòa vẫn tự lấy gió ngoài để cân bằng hàm lượng không khí. Tuy nhiên, điều hòa hút trực tiếp không khí xung quanh xe vốn bị bao trùm bởi khí xả từ ống pô với hàm lượng CO cao. Tài xế đang ngủ không nhận biết cơ thể đang bị đầu độc, có thể tiếp tục lịm vào cơn hôn mê và mất mạng.

Để tránh nguy hiểm, nếu muốn ngồi đợi lâu hoặc ngủ trong xe, bạn nên để chế độ lấy gió ngoài. Cần hé cửa kính khoảng 1,5 -2,5 cm để lưu thông không khí. Biện pháp này đơn giản nhưng quan trọng vì tránh được rủi ro khi động cơ tắt máy đột ngột, hệ thống điều hòa xe hỏng. Trước khi ngủ, cần đặt báo thức 15 - 30 phút/lần để kiểm soát tình huống, hoặc ra ngoài hít thở để không bị thiếu dưỡng khí.

Chú ý, tuyệt đối tránh đỗ xe ngủ ở nơi chật hẹp, ngột ngạt vì có mở cửa xe vẫn thiếu oxy. Tuyệt đối tránh nổ máy, mở điều hòa ngủ trong xe đỗ ở garage.

Khuyến cáo của chuyên gia y tế

Chuyên gia Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng: 

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nếu mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh vì dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hạ Vũ (Tổng hợp)

Tin mới