Hà Nội sau cách ly, cái nắng đầu mùa chẳng chói chang nhưng cũng đủ oi bức để con người trở nên nóng nảy. Những lúc thế này, ta lại thèm món đồ ăn man mát, ngọt ngọt, thanh thanh của cây kem lạnh. Có thể thời tiết đang dụ mị lòng người hoặc có thể cứ mỗi độ nắng lên là “bao tử” chỉ thèm mỗi cây kem là dịu ngay tính nóng nảy. Hãy cùng chúng tôi bước qua cánh cửa thời gian, quay ngược về miền ký ức trở lại tuổi thơ tươi đẹp để cảm nhận hương vị kem ngày xưa ấy và kem bây giờ khác nhau như thế nào.
Người Hà Nội gọi “Crème” nhập từ tiếng Pháp là Kem, còn người Sài Gòn xưa gọi là “Cà lem”. Cách gọi này một phần minh chứng rõ ràng kem Hà Nội và kem Sài Gòn đều do văn hóa Pháp xâm nhập vào.
Trước đây, kem được xếp vào thứ giải khát đặc biệt bởi chỉ có ở những thành phố lớn mới tìm mua được. Ở nông thôn, đố ai tìm được hàng kem chứ đừng nói đến nhìn thấy mấy chú bóp còi tí toe tí toe đi bán khắp ngõ ngách.
Chỉ mấy chục năm trước thôi, kem như một thứ giải khát xa xỉ mà mấy đứa trẻ con Hà Nội như tôi không phải ai cũng muốn là có để ăn. Ấy thế mà không hiểu sao, ký ức về kem tôi nhớ nhiều vô kể, nó giống như những trang giấy của tuổi thơ mà hằn in trong tâm trí để sau này, cho dù có đi đâu, tôi vẫn nhớ vị Hà Nội - vị kem.
Hẳn ai cũng biết về món kem với đủ hương vị lấp lánh màu sắc xanh đỏ tím vàng. Kem này khi bán được thái thành từng lát đặt trên đĩa, sau có rắc thêm lạc hoặc rưới siro. Nếu khách hàng có nhu cầu mua về được bán theo cân lên để bán theo trọng lượng. Có lẽ vì thế cái tên kem cân hay kem ký ra đời từ đó.
Cái tên kem cân, kem ký nó cứ giản dị, mộc mạc, gần gũi. Trước đây nó là một món giải khát làm mưa làm gió mà cho đến tận bây giờ vẫn còn nhưng không đủ vượt qua các loại kem hiện đại.
Trong những ngày cách ly xã hội, khi mà tất thảy các hàng quán đều đóng cửa, điều làm tôi thèm nhất chính là cảm giác đi bộ lững thững bên Bờ Hồ, cầm một cây kem nhấm nháp hương vị của Hà Nội. Cái ốc quế giòn rụm với vị kem vani thuần khiết cứ quyện vào cổ họng, thôi thúc cảm giác khoan khoái trong con người.
Chắc ít ai có sở thích dị như tôi là ăn sáng bằng bánh mì kẹp ít kem dừa. Chỉ cần một hai viên kem bé bé là có thể đánh bay ổ bánh mỳ một cách ngon lành.
Nhưng những ngày ở cách ly, tôi cũng chẳng buồn “vẽ” ra mấy món ấy ăn mà chỉ úp bát mỳ cho xong bữa sáng. Nói chung mình cứ nghiêm túc thực hiện theo Chỉ thị thì chắc chắn sẽ sớm được ùa ra phố mà ngấu nghiến mấy món ăn vặt, trong đó có vị kem dừa của tôi nữa.
Còn trong những ngày cách ly như thế này, để được ăn kem nhanh nhất chính là đặt giao hàng trực tuyến, và kem hộp luôn là ưu tiên số một.
Kem hộp là dòng kem được chiết đóng thành các loại hộp to nhỏ khác nhau tùy theo nhu cầu của khách hàng. Ban đầu tôi không mấy để ý đến dòng này vì nghĩ cầm được hộp kem đem về đến nhà chắc chảy hết. Nhưng có lẽ tôi đã sai lầm, thực sự nó quá tiện lợi cho những người thích ăn kem.
Tuy không thể so sánh được với mấy cốc kem ngoài hàng có đầy đủ topping nhưng kem trong hộp vẫn giữ y nguyên hương vị đó, chẳng thể nào thoát đi đâu được.
Sau cả tuần lễ ăn thử vài hãng kem khác nhau thì cuối cùng tôi đã nhận ra chân ái của ẩm thực chính là hộp kem màu đen đen này, kem Goofoo.
Kem hộp của Goofoo có bao bì không quá xuất sắc, cũng không hẳn dở tệ, nói chung nhìn qua thì không có ấn tượng gì ban đầu. Nhưng đúng là không thể “trông mặt mà bắt hình dong”. Nếu những ai là fan trung thành của dòng gelato thì đây đúng là sự lựa chọn tuyệt vời.
Hộp kem Goofoo dòng 1 lít có cân nặng khoảng 700gram. Mở hộp ra ta nghe thấy cái hương vị nhè nhẹ chứ không sặc sụa mùi hương như mấy loại kem khác. À hóa ra vì dòng gelato này được làm từ trái cây tự nhiên chứ không phải dùng hương liệu nên màu sắc nhạt nhòa và nghe mùi nhẹ hơn thật.
Nếm thử hộp kem dâu, vị ngọt ngọt thanh thanh hòa quyện với mứt dẻo dẻo trong kem, chưa kịp xúc đến thìa thứ hai mà đã như có một luồng gió mát mát đi khắp cơ thể, làm con người khoan khoái hơn hẳn.
Không chỉ vậy, kem Goofoo được lòng tôi nhất vì chất kem mềm mịn, không bị dăm đá. Điều đặc biệt mà tôi phát hiện ra là dòng kem có mứt này ít hãng nào làm được. Mứt dẻo mịn chứ không bị đông đá. Theo tôi được biết, các nguyên liệu đều được hãng này tập trung nhập từ các vùng nông sản sạch của Việt Nam như dâu tây Mộc Châu, chanh leo Đà Lạt, sầu riêng Đắk Lắk…
Trong những ngày nắng nóng như thế này, chẳng cần phải bước chân ra đường cũng có thể có kem ăn ngon lành tại nhà thông qua cơ chế đặt giao hàng.
Lòng vòng seach thử trên mạng, hóa ra hãng kem này không chỉ có kem hộp mà còn có cửa hàng bán kem ký múc viên, có lại còn để trong trái dừa bắt mắt, có loại thì bắt trend nhanh như kem trân châu, kem chua… Vì là dòng kem của Ý nên không làm phụ lòng những người sành dòng gelato. Chắc chắn vào một dịp cuối tuần nào đó, tôi sẽ lượn lờ đi thử thêm vài vị nữa.
Tóm lại, dù có là kem của ký ức hay là kem hiện đại thì sự mát lành trong cơ thể luôn được chúng tạo ra một cách nào đó thật kỳ diệu. Thế nên, kem Ý là món nhất định mọi người nên bổ sung vào danh sách thức uống giải khát của mình.