Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hé lộ thiết kế siêu tàu sân bay hạt nhân Trung Quốc

(VTC News) -

Tàu Phúc Kiến, có thể chở từ 50-70 máy bay, đồng thời duy trì sức mạnh tấn công của lực lượng phòng không của hạm đội.

Những hé lộ về thiết kế tàu sân bay mới - Phúc Kiến - cho thấy tham vọng của Trung Quốc tiến tới vị trí thứ ba (sau Mỹ và Pháp) trong việc sản xuất các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước đó, các tàu sân bay được chú ý của Trung Quốc - bao gồm Liêu Ninh và Sơn Đông - đều chỉ có các đội máy bay chiến đấu nhỏ, với 18-24 máy bay chiến đấu J-15 cho Liêu Ninh và thêm 4 máy bay nữa cho Sơn Đông. Việc bổ sung tương đối ít máy bay chiến đấu có thể khiến các hạm đội rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về phòng thủ và tấn công, khi đặt ra những hạn chế về số lượng các cánh không quân tương ứng mà Liêu Ninh và Sơn Đông có thể dành riêng cho tấn công hoặc phòng thủ.

Tàu sân bay Sơn Đông. (Ảnh: Twitter)

Tuy nhiên, tàu Phúc Kiến, có thể chở từ 50-70 máy bay, có thể khắc phục những thách thức này. Phúc Kiến cũng được trang bị hệ thống phóng điện từ (EMALS) phiên bản Trung Quốc, sử dụng nam châm điện mạnh để phóng máy bay, cho phép phóng các loại máy bay bổ sung nặng hơn, nhanh hơn.

Những máy bay này có thể bao gồm tiêm kích J-15B cải tiến, các phiên bản hải quân của J-20 và FC-31, và máy bay không người lái và cảnh báo sớm trên không (AWACS) J-600.

Asia Times còn tiết lộ Trung Quốc có thể đang chuẩn bị triển khai máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 và máy bay không người lái FH-97A Loyal Wingman trên Phúc Kiến. Phiên bản hoạt động trên tàu sân bay của FC-31, được đặt tên là J-35, có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.

Đồng thời, những chiếc J-15B cải tiến thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và trên biển, có thể loại bỏ tình thế khó phân bổ giữa tấn công và phòng thủ liên quan đến Liêu Ninh và Sơn Đông.

J-35 có thể được bổ sung bởi phiên bản FH-97A hoạt động trên tàu sân bay, với phiên bản trên bộ được tối ưu hóa cho các hoạt động không đối không, và hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử gắn phía trước (EOTS), cùng với vũ khí bên trong khoang cho sáu tên lửa không đối không.

Bước tiếp theo trong việc nâng cao khả năng tác chiến của tàu sân bay mới sẽ là loại bỏ các hạn chế về tầm hoạt động và sức chống chịu ở các tàu chạy bằng năng lượng thông thường.

Theo tiết lộ của Asia Times vào tháng 10 năm ngoái, tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc rất có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, khi Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) phát triển thiết kế tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân từ tháng 2/2018. Họ cũng tuyên bố sẽ đạt được bước đột phá trong công nghệ đẩy hạt nhân vào năm 2027.

Tuy nhiên, hiện tại, công nghệ đẩy hạt nhân của Trung Quốc được nhận định chưa phát triển bằng Mỹ. South China Morning Post (SCMP) lưu ý trong một bài viết từ tháng 6/2022 rằng việc phát triển một siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân không thể vội vàng vì các lý do an toàn và khoa học.

Theo bài viết, lò phản ứng module nhỏ Linglong One của Trung Quốc, được coi là kiểu tiên tiến nhất nước này đang có, cần được tiếp nhiên liệu hai hoặc ba năm một lần, so với lò phản ứng trên tàu sân bay lớp Ford có thể hoạt động trong đến 50 năm.

Do tầm quan trọng chiến lược của tàu sân bay, Trung Quốc đặt mục tiêu có 6 tàu sân bay trong lực lượng hải quân, chia thành 3 hạm đội. Với cấu trúc như vậy, trong mỗi hạm đội, một tàu sân bay có thể được triển khai tích cực trong khi tàu sân bay còn lại sẽ trải qua quá trình bảo dưỡng, trang bị lại và huấn luyện thủy thủ đoàn.

Tính đến năm 2022, hải quân Trung Quốc là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 340 tàu; hải quân Mỹ, trong khi đó, chỉ có 280 tàu. Trung Quốc cũng có 13 nhà máy đóng tàu hải quân, mỗi cơ sở có công suất lớn hơn cả 7 nhà máy đóng tàu hải quân của Mỹ cộng lại.

Hiện nay, Trung Quốc dẫn đầu ngành đóng tàu quy mô lớn, vượt trội so với Mỹ. Lý do một phần có thể là bởi chiến lược hợp nhất dân sự - quân sự của nước này. Việc đóng đồng thời tàu chiến và tàu dân sự trong cùng một nhà máy đóng tàu để đảm bảo ngành đóng tàu của nước này hoạt động hết công suất bất chấp suy thoái kinh tế.

Chiến lược hợp nhất cũng áp dụng các kỹ thuật dân sự và công nghệ tiên tiến để đóng tàu hải quân, cho phép nước này duy trì năng lực sản xuất và tránh được các biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình hiện đại hóa quân sự.

Hơn nữa, Trung Quốc đã sử dụng AI hoạt động trên một máy tính nhỏ được cho là cho phép nước này thiết kế hệ thống điện của tàu chiến chỉ trong một ngày. Nhiệm vụ này trước đây sẽ buộc các nhà thiết kế sử dụng các công cụ máy tính tiên tiến nhất mất 300 ngày để hoàn thành.

Tuy nhiên, việc có đủ số lượng thủy thủ, phi công và lính thủy đánh bộ chuyên nghiệp cần thiết đáp ứng tốc độ đóng tàu lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Phương Anh (Nguồn: Asia Times)

Tin mới