Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hãy đến với Nha Trang, để biết ở đây thú vị thế nào

(VTC News) -

Tôi đến Nha Trang, ngồi quán cafe nhỏ ở góc đường Yersin và nhớ lại một câu nói của ông: "Hãy đến với Nha Trang, để biết ở đây thú vị thế nào".

Đường lên Hòn Bà.

 

Đường Yersin – tôi đã gặp tên đường Yersin ở đâu đó không phải Nha Trang.

Đúng rồi! Ở Hà Nội, con đường chỉ vài ba trăm mét, người ta ghi biển là “Yec Xanh”. Cuối đường có một vườn hoa hình tam giác cũng mang tên Yec Xanh. Ở giữa vườn hoa lại có bức tượng bán thân Yec Xanh.

Cả ở Đà Lạt nữa, nơi có số 29 là Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, cũng là trường Lycée Yersin xưa kia. Trường là 1 trong 1000 công trình tiêu biểu của kiến trúc thế giới thế kỷ 20 với điểm nhấn là tháp chuông cao 54 mét.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Yersin là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông chính là người khám phá ra Cao nguyên Langbiang (Lâm Viên); Là người vạch ra con đường bộ từ Trung Kỳ sang Lào; Ông cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội)… Có quá nhiều thứ để ghi nhận Yersin khi ông tới Đông Dương.

Nhà bác học Alexandre Yersin – Công dân danh dự của Việt Nam.

Ông đến Nha Trang, dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở một phòng khám. Ông được người dân gọi là “ông Năm”. Ông Năm là bác sĩ Tây đầu tiên ở vùng đất này. Ông nhận tiền khám của những người máu mặt và có tiền, nhưng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo dù đôi khi ông không thể nào phân biệt nổi hai hạng người ấy.

Ngôi nhà Yersin trên đỉnh Hòn Bà.

Trong một bức thư gửi mẹ, ông viết: "Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống?”.

Rồi từ Nha Trang, ông tiếp tục đi mà hành trình không thể kể hết trong một trang giấy. Xuyên suốt hành trình ấy là những di sản y học, thám hiểm… ông để lại cho đời sau.

Và dù đã vượt ngàn dặm, đi muôn nơi, cuối cùng, ông vẫn chọn trở lại với Nha Trang, nơi ông từng viết thư mời gọi một người bạn rằng: “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào. Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”.

Khung cảnh nhìn từ trên đỉnh Hòn Bà.

Năm 1943, Yersin vĩnh viễn ra đi tại nhà riêng ở Nha Trang. Trong di chúc để lại, ông viết:“Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.

Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc, để tang cho ông. Đoàn người đưa ông lên Suối Dầu dài đến hơn ba cây số.

Khi ngồi viết những dòng cảm xúc này, tôi đang ở trên đỉnh Hòn Bà cách thành phố Nha Trang khoảng 40km về phía tây nam.

Năm 1915, Alexandre Yersin sau nhiều lần khảo sát, ông đã làm cuộc thám hiểm, tìm đường lên núi Hòn Bà bằng cách đi dọc theo Suối Dầu cho đến thượng nguồn.

Suối Đầu tuyệt đẹp dưới chân Hòn Bà.

Trên đỉnh Hòn Bà với độ cao 1.500m so với mực nước biển là một vùng khí hậu mát mẻ, rất giống với Đà Lạt, rất thích hợp để trồng cây canhkina làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét.

Và thế là trên đỉnh núi được ví như “Đà Lạt của phố biển” ấy, Yersin dựng một ngôi nhà là trạm quan trắc khí tượng và trồng các giống cây thuốc. Căn nhà say này lâu ngày mục nát, chỉ còn lại phần nền. Đến năm 2004, để ghi nhớ những cống hiến to lớn của ông cho khoa học và cho người dân Nha Trang, ngôi nhà được phục dựng, trở thành điểm đến của những người yêu mến những bước chân khám phá như ông.

AN NHIÊN

Tin mới