Cách thành phố Đà Nẵng tầm 30 kilomet, đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam từ lâu trở thành địa chỉ cực “hot” trên bản đồ du lịch thế giới.
Nhiều tín đồ du lịch sau khi “check in” Hội An thường kháo với bạn bè, người thân rằng Hội An trăm vật trăm ngon, con người chân chất, thuần hậu.
Hội An tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả sông, núi, biển, đảo – những “hình hài” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất di sản hàng trăm năm tuổi này.
Dãy nhà cổ trên đường Bạch Đằng.
Sau vài cái hẹn lần lữa, nhóm chúng tôi có dịp tụ tập đông đủ và quyết định dành trọn một ngày trải nghiệm đô thị cổ nằm trải dài ven bãi bờ Thu Bồn.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi ngay khi đặt chân đến Hội An là phần lớn thời gian trong ngày, không gian khu phố cổ chỉ dành cho người đi bộ và phương tiện thô sơ.
Gửi toàn bộ xe máy phía sau lưng Chùa Cầu – biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ, chúng tôi lạc bước giữa một miền di sản đầy ắp dấu tích lịch sử.
Những cung đường nhỏ cùng không ít các con hẻm be bé tạo cho khu phố vẻ xinh xắn, đáng yêu đến nao lòng.
Thong dong trên các trục đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi…, lữ khách như thả hồn mình chìm đắm trong không gian trầm mặc của hàng trăm nếp nhà cổ kính, rêu phong.
2 tiếng đồng hồ, chúng tôi gần như tản bộ hết mọi ngóc ngách của phố với quãng đường ước chừng dăm ba cây số.
Ngoài di tích Chùa Cầu 400 năm tuổi, nhóm dừng chân tại không ít địa điểm được liệt vào “ghi chú” cần thưởng ngoạn khi tham quan Hội An như: Hội quán Phúc Kiến, nhà cổ Tấn Ký…
Một Hội An trầm mặc, hút hồn bao lữ khách.
Và tất nhiên, tiếng tăm “Hội An trăm vật trăm ngon” cũng tạo sự cuốn hút không kém các di tích đã đi vào lịch sử.
Sà vào những đôi quang gánh bên đường, chúng tôi nếm đủ thứ đặc sản của Hội An, từ xí mà, hoành thánh cho tới cao lầu. Mỗi món ăn đều có sức hấp dẫn riêng, vị lạ đặc trưng, ngon khó cưỡng, cho dù là thực khách khó tính cũng phải tấm tắc ngợi khen.
Rời gót khỏi không gian cổ xưa, chúng tôi tiếp tục “cưỡi” xe đạp men theo tuyến đường ven sông, xuôi về phía hạ nguồn Thu Bồn.
Khung cảnh làng quê thanh bình với cánh đồng lúa xanh rì, lũy tre làng rợp bóng cùng rừng dừa nước bao la hiện ra trước mắt. Vùng đất Cẩm Thanh nằm bên rìa phố cổ được mệnh danh là “Miền Tây thu nhỏ giữa lòng Hội An”.
Tại đây, trên chiếc thuyền thúng nhỏ bé, chúng tôi bơi len lỏi giữa những rặng dừa nước xanh ngắt, thỏa sức ngắm nhìn cả một trời sông nước mênh mông.
Và ngay ngã ba sông, hàng trăm du khách thích thú khi được sắm vai ngư phủ, tự tay quăng chài và nở nụ cười rạng rỡ với mẻ cá dính đầy lưới.
Đó là hình ảnh rất đỗi chân quê dưới khúc sông mẹ Thu Bồn hiền hòa, còn trên các cánh đồng, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp cảnh ông Tây bà đầm xắn tay quần, tay áo tập làm nông dân.
Ông Tây bà đầm thích thú khi hóa thân thành nông dân.
Họ không ngại bỏ tiền túi, vận trên mình những bộ quần áo nông dân, lội xuống đám ruộng sình lầy và cưỡi trâu đi cày.
Cũng chính trên thửa ruộng ấy, du khách tự tay cấy mạ non xuống lòng đất và thực hiện các công đoạn trồng trọt mang bản sắc tự xa xưa của người nông dân Việt Nam.
Chiều mát, nhóm chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá Hội An bằng việc giong xe về phía biển.
Nơi đó, bãi tắm An Bàng nằm trong top các bãi biển đẹp nhất châu Á hằng ngày vẫn thu hút lượng lớn khách du lịch.
Màu nước trong xanh, dải bờ cát trắng phau cùng dãy hàng quán ven biển được dựng lên từ chính dừa nước mang lại cho những người yêu biển sự thoải mái, cảm giác mát lành giữa ngày hè oi bức.
Khép lại một ngày trải nghiệm Hội An, ắt hẳn chừng đó là chưa đủ. Hội An vẫn còn hàng tá địa điểm khác mà chúng tôi chưa kịp “check in”.
Trong danh sách thuộc diện dang dở ấy, đảo Cù Lao Chàm chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua. Hòn đảo nằm cách đất liền chừng chưa đầy 10 hải lý với 15 phút di chuyển bằng cano đang thôi thúc chúng tôi nuôi ý định xách ba lô lên và đi.
Hẹn gặp Cù Lao Chàm – khu dự trữ sinh quyển thế giới trong một ngày không xa...