Kết quả trên vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đưa ra sau khi khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.
74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì Covid-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
"Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường", báo cáo của Ban IV nêu.
Với ngành dệt may, da giày ảnh hưởng lớn nhất là phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, lần lượt 61% và hơn 57%. Đa số các doanh nghiệp này chỉ trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3, một số đến đầu tháng 4. Trong khi ngành chế biến gỗ, sản xuất bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế.
Sản xuất tại Công ty Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Anh Minh
Là nước cung cấp nguyên liệu lớn cho các ngành sản xuất chế biến, chế tạo, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ 60-70% tổng lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam, 67% tổng số giấy xuất khẩu. Với tình hình này, "khả năng các doanh nghiệp này ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của doanh nghiệp", Ban IV nêu.
"Thấm đòn" bởi dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp cho biết buộc phải cho lao động nghỉ việc hoặc cho người lao động nghỉ không lương, thậm chí tạm dừng kinh doanh. Tuy nhiên các giải pháp trước mắt này, theo Ban IV, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, khi hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn xã hội.
Đáng ngại hơn, khoảng 20% doanh nghiệp thông tin "không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh". Thực tế này cho thấy sự bị động của các doanh nghiệp, nhưng cũng phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch.
Ngoài tự cứu mình, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách riêng "cứu" họ, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, miễn lãi với thuế nộp chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội... Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ.
Các giải pháp doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ Chính phủ.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước...
Tại cuộc họp Chính phủ cách đây 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ ban hành Chỉ thị các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động vì Covid-19.
Gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ gồm các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khoá (hoãn, giãn thuế...) và tập trung vào các ngành thiệt hại trực diện là du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu... "Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch", Thủ tướng nhấn mạnh.