Những trường hợp trên đang được giữ lại tại một cơ sở cách ly gần sân bay Schiphol, Amsterdam. Họ sẽ ở lại đây ít nhất 7 ngày nếu xuất hiện triệu chứng và 5 ngày nếu không có triệu chứng.
Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới một bệnh viện để xác minh các hành khách có nhiễm chủng mới hay không. Trong khi đó, những hành khách nhận kết quả âm tính sẽ phải cách ly tại nhà trong 5 ngày.
Sáng 26/11, Bộ Y tế Hà Lan yêu cầu giới chức sân bay Schiphol xét nghiệm hành khách trên 2 chuyến bay trở về từ Nam Phi. Các điểm xét nghiệm đặc biệt được thiết lập ngay tại sân bay này.
Hà Lan phát hiện 61 ca COVID-19 trên 2 máy bay trở về từ Nam Phi. (Ảnh: Gulf News)
Giới chức Hà Lan cũng khuyến cáo các du khách trở về từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Swaziland và Namibia vào đầu tuần trước đi xét nghiệm càng sớm càng tốt.
Hôm 26/11, Hà Lan thông báo cấm tất cả các chuyến bay đến từ miền Nam châu Phi. Những hành khách đang trên đường đến Hà Lan vào thời điểm ra thông báo sẽ phải trải qua quá trình xét nghiệm và cách ly khi đến nơi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla mới đây lên tiếng chỉ trích lệnh cấm đi lại của các nước trên thế giới. Ông này khẳng định hành động trên là tự phát, mang nặng tính đổ lỗi và không có ý nghĩa gì.
"COVID-19 là tình huống y tế khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác, không phải trừng phạt nhau. Các cuộc săn phù thủy không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Nam Phi muốn chia sẻ thông tin sức khỏe để mang lại lợi ích cho người dân Nam Phi và trên thế giới", ông này khẳng định.
Omicron khiến nhiều giới khoa học lo ngại khi có tới 32 đột biến ở protein gai. Nó được mô tả là “biến chủng tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 từng được biết cho đến nay”, có nguy cơ né vaccine và dễ lây lan.
Biến chủng này được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm "đáng lo ngại". Các biến chủng đáng lo ngại có thể lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng, làm giảm hiệu quả vaccine hoặc các phương pháp điều trị.