Nhiều công dân Anh đã cắt ngắn kỳ nghỉ, vội vàng tới sân bay sau khi London thông báo sẽ sớm cấm các chuyến bay tới từ Nam Phi và một số nước châu Phi.
Mỹ, Canada, một loạt các quốc gia châu Á và châu Âu cũng đưa ra các tuyên bố tương tự vì lo ngại siêu biến chủng Omicron xâm nhập.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện ở Botswana, quốc gia láng giềng của Nam Phi hôm 9/11. Tới nay, nó đã lây lan tới Nam Phi, Israel, Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc).
Trong cuộc họp khẩn hôm 26/11, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước không vội vàng áp dụng hạn chế đi lại vì họ cần vài tuần để nghiên cứu về biến thể mới.
Dòng người xếp hàng ở sân bay Johannesburg để chờ được lên máy bay rời Nam Phi. (Ảnh: Reuters)
Bản thân Nam Phi cũng lên tiếng phản đối quyết định đóng biên của một số quốc gia. Dù vậy, điều này không thể ngăn dòng người xếp hàng dài ở sân bay Johannesburg.
Nhưng có được một tấm vé về nước chưa phải đã xong chuyện.
Tại sân bay Schiphol ở Amsterdam (Hà Lan), hàng trăm hành khách tới từ Nam Phi bị giữ lại, không cho rời máy bay vì lo ngại họ có thể mang theo mầm bệnh.
Một khu xét nghiệm đã được thiết lập đặc biệt tại sân bay. Thông tin ban đầu cho thấy 15 trong số 110 người bay về từ Nam Phi được xét nghiệm nhiễm nCoV nhưng không rõ có phải siêu biến chủng Omicron hay không. Giới chức sân bay vẫn đang làm thêm các xét nghiệm.
Giá vé máy bay từ các quốc gia ở Nam Phi tới Anh và một số nước có lệnh cấm bay cũng tăng vọt vài giờ qua.
Bất chấp lệnh cấm bay, một số các chuyên gia Mỹ thừa nhận lệnh hạn chế đi lại sẽ không thể ngăn Omicron xâm nhập vào Mỹ và thậm chí siêu biến chủng có thể đã ở nước này.
Dù vậy, hạn chế đi lại có thể giúp các quan chức y tế và công ty dược phẩm có thêm thời gian để xác định vaccine hiện tại có thể chống lại biến thể này hay không.
"Nó sẽ giúp chúng ta câu giờ. Nhưng không thể ngăn Omicron lây nhiễm tại Mỹ. Câu hỏi là liệu chúng ta có thể làm chậm tốc độ của nó hay không", Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ cho biết.