Hạ huyết áp tư thế nguy hiểm ra sao?
Ở các độ tuổi khác nhau, hạ huyết áp tư thế sẽ gây ra những phiền phức khác nhau. Khi bị hạ huyết áp tư thế, người trẻ tuổi có thể chỉ chóng mặt tạm thời và ổn định sau vài giây, nhưng người cao tuổi rất dễ bị tổn thương não hoặc gãy xương do chóng mặt và té ngã.
Mới đây, một nghiên cứu phát hiện ra rằng, chỉ cần thực hiện một động tác cũng có thể ngăn ngừa hiệu quả tình trạng chóng mặt do hạ huyết áp tư thế.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Calgary, Canada đã tìm 22 phụ nữ từng bị hạ huyết áp tư thế và chia họ thành 3 nhóm để nghiên cứu, bao gồm: nhóm đầu tiên không thực hiện bất kỳ động tác nào (nhóm đối chiếu), nhóm thứ hai liên tục thực hiện động tác nâng cao đầu gối trong 30 giây trước khi đứng dậy, nhóm thứ ba bắt chéo chân khi đứng dậy. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành theo dõi, quan sát những thay đổi về huyết áp và nhịp tim của cả 3 nhóm trên.
Kết quả cho thấy, huyết áp và nhịp tim của 2 nhóm còn lại cao hơn hẳn nhóm đối chiếu. Bên cạnh đó, cảm nhận chủ quan của các đối tượng nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc thực hiện động tác khi đứng dậy giúp cải thiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Heart Rhythm.
Hạ huyết áp tư thế rất nguy hiểm nếu bị té ngã (Ảnh minh họa)
Ngăn ngừa tụt huyết áp tư thế, hãy thực hiện bài tập này để giúp máu hồi lưu
Hạ huyết áp tư thế là trong vòng 3 phút sau khi chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng, huyết áp tâm thu giảm hơn 20mmHg và huyết áp tâm trương giảm hơn 10mmHg. Từ đó có thể thấy, nguyên nhân gây hoa mắt, chóng mặt có liên quan đến huyết áp và tưới máu não.
Khi thay đổi tư thế, chẳng hạn như từ ngồi sang đứng, khoảng 500 đến 1.000cc máu sẽ chảy xuống chân, lúc này xoang cảnh và cung động mạch chủ cảm nhận được sự thay đổi tư thế của cơ thể và lưu lượng máu, sau đó cho phép thần kinh tự chủ điều chỉnh sức cản mạch máu và tốc độ nhịp tim, làm tăng huyết áp và lưu lượng máu của tim, tuy nhiên nếu không điều chỉnh được thì sẽ dẫn đến hạ huyết áp tư thế.
Nâng cao đầu gối trong 30 giây trước khi đứng dậy giúp ngăn ngừa hạ huyết áp tư thế (Ảnh minh họa).
"Nghiên cứu cho thấy việc liên tục nâng cao đầu gối trong 30 giây trước khi đứng dậy giúp ngăn ngừa hạ huyết áp tư thế, còn động tác bắt chéo chân sau khi đứng dậy giúp nhanh chóng loại bỏ cơn chóng mặt, nguyên lý là thông qua vận động, giúp các cơ của chi dưới co lại, thúc đẩy hồi lưu máu chi dưới".
Theo bác sĩ Cai Yulin, Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Taian, Đài Loan cho hay, tính đàn hồi của tĩnh mạch kém, chủ yếu dựa vào co cơ để máu hồi lưu, vì vậy những động tác đơn giản giúp máu hồi lưu về tim và có thể ngăn ngừa hạ huyết áp tư thế.
"Với bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc bệnh nhân phải nằm im tại giường trong một thời gian, trước khi ra khỏi giường, họ sẽ được yêu cầu thực hiện các bài tập nhón gót chân, tức là uốn cong mắt cá chân lên xuống để thúc đẩy máu hồi lưu, tránh bị chóng mặt và ngã sau khi ra khỏi giường", bác sĩ Cai Yulin nói.
6 yếu tố gây nguy cơ cao bị hạ huyết áp tư thế
Nói chung, hạ huyết áp tư thế là một triệu chứng chứ không phải là bệnh. Bác sĩ Chen Yanzhou, thuộc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Đài Bắc cho biết, hạ huyết áp tư thế có thể do bệnh tật hoặc thuốc gây ra, nó cũng có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh:
- Rối loạn hệ thần kinh tự chủ: Do huyết áp và nhịp tim được kiểm soát bởi các dây thần kinh tự chủ, nên những bệnh gây rối loạn dây thần kinh tự chủ hoặc dẫn truyền thần kinh có thể gây hạ huyết áp tư thế, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường và bệnh Parkinson.
Bác sĩ Cai Yulin cho hay, khoa phục hồi chức năng thường gặp các bệnh nhân bị chấn thương tủy sống, vì họ bị tổn thương phần tủy sống phía trên cột sống ngực nên cũng dễ bị hạ huyết áp tư thế.
- Thuốc: Ví dụ thuốc điều trị tâm thần hoặc thuốc hạ huyết áp cần đặc biệt chú ý khi sử dụng thời gian đầu.
- Thiếu máu.
- Bệnh tim: Ví dụ như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm màng ngoài tim.
- Thiếu nước: Xảy ra thường xuyên nhất ở những người không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Ngồi xổm hoặc ngồi quá lâu.
Ngoài ra, bác sĩ Cai Yulin cũng cho biết, các tư thế tập tạ và chương trình tập luyện không phù hợp cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hạ huyết áp tư thế và gây tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trong quá trình tập luyện nặng như tập nâng tạ nặng hoặc squat, một số người thường nín thở và gắng sức, lúc này áp lực trong khoang ngực tăng lên, lượng máu xuất ra và hồi trở về tim giảm xuống, hơn nữa những động tác luyện tập nặng này khiến máu tập trung nhiều ở chi dưới, khi cơ thể đứng thẳng hoặc di động, lượng máu lên não không đủ, từ đó có thể gây chóng mặt, mắt tối sầm lại hoặc thậm chí ngất xỉu đột ngột.
Người có hồi lưu tĩnh mạch ở chi dưới kém, gồm phụ nữ mang thai, người già và những người nằm liệt giường trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao bị hạ huyết áp tư thế.
“Đôi khi hạ huyết áp tư thế cũng là dấu hiệu của một vấn đề thể chất, chẳng hạn như chảy máu dạ dày mà không được phát hiện ra”, bác sĩ Chen Yanzhou nói.
4 cách khác để tránh hạ huyết áp tư thế
Hạ huyết áp tư thế chỉ là vấn đề nhỏ về sức khỏe, nhưng nếu người lớn tuổi bị hạ huyết áp tư thế thì rất dễ bị ngã do chóng mặt. Các chuyên gia cho biết, có một số cách để phòng tránh tình trạng này như thay đổi tư thế từ từ; hay trước khi ra khỏi giường nên ngồi một lúc, nếu không cảm thấy chóng mặt hãy đứng lên.
Ngoài ra còn có các cách khác, bao gồm:
- Những người đã từng bị hạ huyết áp tư thế do luyện tập nặng có thể chọn thiết bị tập thể dục cố định thân trên và cố định thân dưới, chẳng hạn như ghế tập ép đùi hoặc dây đàn hồi để tăng hồi lưu máu chi dưới, giúp tránh hạ huyết áp tư thế.
- Tránh ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài vì dễ khiến máu bị ứ đọng ở chân.
- Sử dụng tất co giãn: Bác sĩ Chen Yanzhou cho biết, tương tự như nguyên tắc vận động của chân, những đôi tất co giãn có thể giúp máu hồi lưu lại chân.
- Tập thể dục thường xuyên: Theo bác sĩ Cai Yulin, tập thể dục có thể cải thiện khả năng kiểm soát của dây thần kinh tự chủ, tăng tốc độ hồi lưu tĩnh mạch và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, rèn luyện sức mạnh cơ bắp chi dưới và tập thể dục aerobic rất có lợi cho sức khỏe.