Liên quan đến việc Grab tăng giá và mức chiết khấu khiến hàng nghìn tài xế xe công nghệ phản ứng, hôm nay (9/12), Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với Grab.
Tại cuộc họp, Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tổng cục Thuế Việt Nam cho biết, Grab vẫn chưa làm rõ được thông tin vì sao tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Cũng theo Tổng cục Thuế, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.
Tuy nhiên tại cuộc họp này, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Liên quan đến sự việc hàng nghìn tài xế Grab tắt ứng dụng, xuống đường đình công để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%, trả lời VTC News, luật sư Trương Anh Tú cho biết, Grab đẩy thuế sang cho người lao động là 'bất công'.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú cho hay, GrabBike hay GrabCar cùng do một công ty sở hữu, bản chất hoạt động là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương tiện vận chuyển.
Xuất phát từ vụ kiện giữa Vinasun với Grab năm 2018, về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ, đã nổ ra cuộc tranh cãi về việc định nghĩa Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hay đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ.
Sau khi vụ án được giải quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quản lý vận tải có hiệu lực từ ngày 1/4/2020, ấn định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (taxi), có sử dụng công nghệ, nên được ưu đãi thuế nhất định.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, Nghị định 126 buộc các hãng taxi công nghệ về đúng với bản chất hoạt động kinh tế cũng như thông lệ quốc tế.
Theo đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời để tiếp nối Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định này buộc các hãng taxi công nghệ về đúng với bản chất hoạt động kinh tế cũng như thông lệ quốc tế, cụ thể là bảo vệ quyền lợi người lao động, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.