Một chính sách giàu nhân ái
Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, lần đầu tiên Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng bằng tiền mặt cho hàng triệu người chịu ảnh hưởng. Theo tính toán, nhiều đối tượng xã hội sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng, thấp nhất là 500.000 đồng/người/tháng. Nhiều người đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết một “Chính phủ hành động”, nhân văn, không bỏ sót ai chịu thiệt hại vì dịch bệnh.
Dự kiến 20 triệu người sẽ được tham gia gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: TNG)
Chia sẻ với VTC News về gói hỗ trợ đặc biệt này, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Chính phủ xây dựng gói an sinh xã hội để hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, những người yếu thế, dễ bị tổn thương nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Tuy trị giá gói hỗ trợ này chỉ chiếm 1% GDP nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, ngân sách Nhà nước đang vô cùng eo hẹp và phải chi rất nhiều cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định nền kinh tế”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - nguyên Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - nhận xét, đây là một chính sách nhân văn, thể hiện sự tương thân tương ái, sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước với nhân dân và cần được thực hiện một cách lâu dài, thường xuyên.
“Một chính sách an sinh xã hội nói chung có ba mục tiêu cơ bản: thứ nhất, nhằm ổn định kinh tế xã hội; thứ hai là giúp những người yếu thế, người thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh có thể hoà nhập được với xã hội và thứ ba là để tất cả các tầng lớp trong xã hội đều có thể cùng nhau phát triển. Việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là hành động hết sức thiết thực và nhân văn. Rất nhiều người vốn không nghĩ được Nhà nước trợ cấp thì nay lại trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách”, ông Dũng phân tích.
Video: Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tạm dừng đóng BHXH:
Cần giám sát chặt sự trục lợi
Hơn bao giờ hết những người mất việc, người nghèo, người yếu thế...đang cần sự hỗ trợ ngay của Nhà nước để có thể tiếp tục đảm bảo cuộc sống giữa đại dịch. Lúc này "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát huy hiệu quả và tính nhân văn, nhân ái của gói hỗ trợ thì cần phải công khai, minh bạch, công bằng và đặc biệt là giám sát chặt mọi hành vi trục lợi.
“Gói hỗ trợ an sinh này sẽ đưa một số tiền vào nền kinh tế, thông qua việc tiêu dùng của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là cầu của nền kinh tế, phần cầu đó sẽ giúp cho nguồn cung phát triển, từ những cung đơn giản nhất như rau, thịt, gạo, nhu yếu phẩm... Một bên là cầu, một bên là cung sẽ giúp phần nào cân bằng nền kinh tế trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Tuy nhiên, ông Thành cũng băn khoăn đặt câu hỏi, làm sao để chính sách có thể đến được với người dân, doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, những đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất?
“Mỗi chính sách đều không thể đảm bảo tính tuyệt đối của nó nhưng cần phải giảm thiểu đến mức tối đa sự sai lệch. Thực tế cho thấy có gói hỗ trợ dành cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, vùng gặp thiên tai… không thể đến đúng được đối tượng thụ hưởng chính sách ”, ông Thành nói.
Chính vì vậy, theo ông Thành và các chuyên gia, cần phải thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, qua báo chí, qua mạng lưới thông tin cơ sở... để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng chính sách, tự xác định được mình có nằm trong đối tượng của chính sách hay không.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất: “Nguyên tắc thực hiện chính sách là phải kịp thời, minh bạch, các tiêu chí phải hết sức rõ ràng cụ thể, dễ thực hiện. Các đối tượng thụ hưởng phải đúng, phải trúng, ưu tiên những tiêu chí về duy trì cuộc sống, tiếp đó là các tiêu chí tuổi tác, thu nhập, người phụ thuộc, kinh tế…Càng rõ ràng, công khai, dễ hiểu bao nhiêu thì càng giảm tiêu cực, làm sai bấy nhiêu”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, muốn làm được điều đó thì phải có một đội ngũ nhân sự giàu năng lực, có trách nhiệm. Đặc biệt là phải có cơ chế kiểm tra giám sát: “Điều quan trọng nhất chính là yếu tố con người, chính sách có tốt đến đâu, nhân văn đến đâu nhưng thành bại là nhờ chính con người. Vì vậy cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đội ngũ nhân sự có năng lực, có trách nhiệm. Phát huy nguồn nhân lực tại các cơ sở, địa phương và quan trọng nhất là cơ chế kiểm tra giám sát lẫn nhau. Có sự tổng kết rút kinh nghiệm từng giai đoạn, địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia đặt ra là hiện gói hỗ trợ an sinh có thời hạn trong 3 tháng, thể hiện sự kỳ vọng của Chính phủ trong khoảng thời gian này COVID-19 sẽ được khống chế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần nghĩ đến một kịch bản dài hơn trong trường hợp nếu hết thời gian thụ hưởng chính sách mà dịch vẫn chưa chấm dứt.
Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ sẽ trị giá 62.000 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng được hỗ trợ 500.000 đồng; Hộ nghèo và cận nghèo, lao động bị buộc thôi việc, hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh cùng được hỗ trợ mức 1.000.000 đồng; Người mất việc từ 14 ngày trở lên được hỗ trợ 1.800.000 triệu đồng/tháng; Các doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có 50% lao động nghỉ việc cũng được hỗ trợ.
Dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, bên cạnh đó là lấy từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... Dự kiến, trong tuần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về gói hỗ trợ trên.