Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp lo không tiếp cận được gói hỗ trợ của ngân hàng

(VTC News) -

Các gói hỗ trợ kinh tế của ngân hàng rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp lo lắng không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đều giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. 

Sau khi có chỉ thị của Thủ Tướng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay trong ngày 1/4, hàng loạt ngân hàng công bố các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu. 

Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lo không tiếp cận được các gói hỗ trợ của ngân hàng. (Anh minh họa: Hải Nguyễn)

Theo đánh giá của chuyên gia, việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn vì ứng phó với Covid-19. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn lo lắng không tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ của ngân hàng.

Nhân sự cắt giảm đến 90%, doanh thu bằng 0 nhưng vẫn phải gồng mình để duy trì hoạt động, một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội cho biết hiện tại đang rất cần vốn để hỗ trợ trả lương cho nhân sự và tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp cận được vốn vay, cái khó của doanh nghiệp lữ hành này là không có tài sản thế chấp. 

“Doanh nghiệp chúng tôi đang rất khó khăn thế nhưng có một vấn đề là khi ngân hàng rà soát cho vay thì chúng tôi không có tài sản thế chấp, với các đơn vị lữ hành thì tài sản thế chấp là rất ít. Vì vậy, tôi đề xuất NHNN có cơ chế linh hoạt, nếu cứng nhắc quá về tài sản thế chấp thì nhiều doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận nguồn vay”, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội kiến nghị.

Không gặp vấn đề về tài sản đảm bảo nhưng công ty Giày BQ cũng chưa được ngân hàng cho giãn nợ và vay mới do không được hướng dẫn cụ thể:

Hiện công ty đã ngừng toàn bộ sản xuất và đóng cửa hệ thống các cửa hàng. Với tình trạng ngừng hoạt động như vậy, công ty đang rất khó khăn và cần sự hỗ trợ từ các chủ trương chính sách của nhà nước mà trước tiên là từ phía ngân hàng để được giãn nợ và vay mới. Thế nhưng đến hiện tại, công ty vẫn chưa được hưởng chính sách này do ngân hàng không có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện và ngay ngân hàng cũng rất lúng túng trong việc triển khai cho vay”, ông Phan Hải, Chủ tịch, Giám đốc Công ty Giày BQ chia sẻ.

Ông Hải nói thêm, lúc này doanh nghiệp nào cũng rất khó khăn, quy mô càng lớn thì thiệt hại càng nhiều, các ngân hàng cần phải triển khai nhanh chóng việc giãn nợ, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nào cũng cần được hỗ trợ, nếu phải chứng minh là khó khăn thì chứng minh như thế nào, lấy tiêu chí nào để được là đối tượng hưởng ưu đãi: số lượng người lao động bị nghỉ việc, doanh thu giảm, lĩnh vực, nghành nghề... Tất cả cần phải rõ ràng. Ngân hàng nên ưu tiên những doanh nghiệp làm ăn chân chính, khó khăn thực sự và từ trước đến nay luôn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, với ngân hàng”. Ông Hải đề xuất. 

Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng - giải nguy cho các doanh nghiệp mùa Covid-19:

Tại hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) với chủ đề "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh" diễn ra mới đây, các doanh nghiệp cũng đồng loạt kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thực thi các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất hiệu quả hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Nafoods - cho biết, trong bối cảnh khó khăn này, hầu hết doanh nghiệp cần có đủ điều kiện sản xuất là vốn, nhưng việc tiếp cận vẫn rất khó khăn vì "vốn vẫn nằm ở đâu đó".

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VIDA, chủ tịch Tập đoàn FPT - cũng chỉ ra thực trạng hiện nay các ngân hàng đang trong tình trạng "không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm", nhất là khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn và truyền thông nhiều hơn các trường hợp nào được cơ cấu nợ để tránh tâm lý tất cả khách hàng đều muốn được cơ cấu nợ, giảm lãi vay.

Nhu cầu giảm lãi, cơ cấu nợ của khách hàng là quá lớn nên các ngân hàng phải khảo sát, đánh giá kỹ đúng đối tượng. Các ngân hàng phải tự cân đối giảm lãi, giảm phí trong khả năng tài chính của mình, ngân hàng cũng là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Việc ngân hàng đưa ra các gói hỗ trợ về lãi suất, giãn nợ cũng là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp”. TS. Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS.Bùi Trinh- Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam - khi đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng cho rằng, các gói hỗ trợ kinh tế phải được đến đúng đối tượng khó khăn. “Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn. Ngoài ra, các chính sách này phải được triển khai ngay lập tức, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, TS.Bùi Trinh chia sẻ.

Về việc các doanh nghiệp lo lắng xin giãn nợ, giảm lãi suất vay sẽ thành nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực cho biết các doanh nghiệp phải hiểu đúng tinh thần các gói hỗ trợ của ngân hàng. “Trong chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư 01 của NHNN ban hành ngày 13/3 nêu rất rõ cho phép cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm nợ, để cho vay tiếp. Đối với các khoản vay mới thì tiếp tục cho vay tiếp với lãi suất thấp hơn trước từ 1-2,5 %. Với các khoản vay dư nợ cũ đã vay trong thời gian gần qua đến thời hạn thanh toán thì có hai phương án. Một là cho giãn, hoãn nợ, cái này thì ngân hàng đang làm rồi và thực sự cần thiết với doanh nghiệp. Thứ hai là, giảm lãi 1 phần với dư nợ cũ. Cái này thì  tuỳ vào cân đối khả năng tài chính của ngân hàng, tín nhiệm của bản thân doanh nghiệp với ngân hàng để giảm lãi dư nợ cũ từ 0,5-1%”, ông Lực nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nếu ngân hàng không xử lý đồng bộ, tình trạng nợ kéo theo của 1 khách hàng tại nhiều tổ chức tín dụng cũng là điều cần được hướng dẫn chi tiết hơn. Vì có thể với cùng 1 khách vay tại nhiều ngân hàng, với ngân hàng này thì khách hàng đủ điều kiện cơ cấu nợ cho khoản vay; nhưng với dư nợ tại ngân hàng khác không đủ điều kiện cơ cấu nợ...điều này cũng gây khó cho khách  và các ngân hàng.   

Lan Hương

Tin mới