Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gian thương Ấn Độ bán thuốc, oxy, giường bệnh với giá trên trời

(VTC News) -

Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ bị COVID-19 đè bẹp, các chợ đen rao bán thuốc, oxy, giường bệnh và thậm chí lốt hỏa táng lên ngôi.

Trong làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ, các bình oxy được ví như vàng. Nhu cầu về bình đựng oxy vì thế tăng mạnh. Các bệnh viện cần các bình kim loại này để lưu trữ và vận chuyển dưỡng khí khi các bệnh nhân COVID-19 trên cả nước đang chật vật thở. 

Một tổ chức từ thiện địa phương đã gọi điện cho cảnh sát, tố cáo một nhà cung cấp tăng giá lên gấp đôi, gần 200 USD/bình. 

Cảnh sát cho biết nhà cung cấp bị tố giác trên thực tế là một xưởng phế liệu. Họ sơn lại các bình chữa cháy và bán chúng dưới dạng hộp đựng oxy. Các bình chữa cháy có thể phát nổ nếu chứa đầy oxy cao áp. 

"Họ nên bị buộc tội giết người vì chơi đùa với mạng sống của người dân", Mukesh Khanna, một tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện cho biết. Chủ xưởng phế liệu đang bị giam giữ. 

Làn sóng COVID-19 thứ hai đang tàn phá hệ thống y tế của Ấn Độ, làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào khả năng điều trị cho người dân và dập tắt dịch bệnh của chính phủ.

Nhiều bình chữa cháy được hô biến thành bình đựng oxy ở Ấn Độ trong mùa dịch. (Ảnh: NYT)

Các bệnh viện kín chỗ. Thuốc, vaccine, oxy và các nguồn cung cấp khác dần cạn kiệt.

Những kẻ trục lợi tận dụng cơ hội này để lấp đầy khoảng trống. Thuốc, oxy và các mặt hàng khác được môi giới trực tuyến hoặc qua điện thoại. 

"Những tên tội phạm vẫn luôn ở đó. Chúng tận dụng cơ hội này", ông Muktesh Chander - ủy viên Sở cảnh sát New Delhi cho hay. 

Tuần trước, các sỹ quan cảnh sát ở bang Uttar Pradesh cáo buộc một nhóm đối tượng trộm vải liệm đã qua sử dụng và bán chúng như đồ mới.

Một ngày trước đó, các sỹ quan ở bang này phát hiện hơn 100 lọ thuốc remdesivir giả. Remdesivir là một loại thuốc kháng virus được nhiều bác sỹ Ấn Độ kê đơn cho các bệnh nhân COVID-19 bất chấp nghi vấn về hiệu quả của nó.

Trong hơn 10 ngày qua, cảnh sát New Delhi bắt giữ hơn 210 người với cáo buộc gian lận, tích trữ, âm mưu phạm tội hoặc gian lận liên quan đến các vụ lừa đảo trong mùa dịch. Tương tự, cảnh sát ở Uttar Pradesh bắt giữ 160 người.

"Tôi từng chứng kiến nhiều kẻ kiếm tiền trên sinh mệnh của người khác, nhưng mức độ như hiện tại thì tôi chưa từng thấy trong suốt 36 năm công tác", Vikram Singh, một cựu cảnh sát trưởng ở Uttar Pradesh

Những mánh khóe gian lận và trục lợi để lộ mặt trái của hệ thống trợ giúp trực tuyến ở Ấn Độ. Các tổ chức từ thiện trên khắp Ấn Độ giúp kết nối những người có nhu cầu với những nơi có nguồn cung thông qua hệ thống này. 

Nhưng cung luôn không đủ cầu. Các nguồn cung cấp thiết yếu như oxy vẫn đang tắc nghẽn. Nhiều người chết vì không có giường bệnh. Các nhà sản xuất vaccine và thuốc không thể đáp ứng đủ nhu cầu. 

Điều này tiếp thêm sức mạnh cho thị trường chợ đen. Các gian thương rao bán mọi thứ với giá "cắt cổ". Người dân vẫn tìm tới họ vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. 

Cảnh sát Ấn Độ đột kích vào một cửa hàng tích trữ máy tạo oxy. (Ảnh: NYT)

Rohit Shukla, một nghiên cứu sinh ở New Delhi cho biết sau khi bà anh qua đời, một tài xế xe cứu thương đòi 70 USD (hơn 1,6 triệu đồng) cho một cuốc xe gần 5 km từ bệnh viện tới khu hỏa táng. Giá ngày thường chỉ là 7 USD. 

Khi gia đình anh tới nơi hỏa táng, công nhân tính 70 USD tiền củi, cao gấp 10 lần ngày thường. 

Shukla nói cung và cầu có thể là nguyên nhân dẫn tới tăng giá, nhưng còn nhiều lý do khác đằng sau đó. 

“Mọi người đều cố gắng thu lợi từ đại dịch này", anh nói. 

Không chỉ oxy, thuốc, giường bệnh cũng được rao bán. 

Bác sĩ Sanjeev Kumrawat ở Madhya Pradesh cáo buộc Abhay Vishwakarma - một nhà hoạt động cho đảng cầm quyền của Ấn Độ bán "lốt" giường bệnh trong bệnh viện công nơi ông này làm việc. 

"Tất cả chúng ta đều biết về một cuộc đấu tranh giành giường bệnh. Các nguồn lực của chính phủ phải được phân phối công bằng và không thể trở thành tài sản của một người", ông Kumrawat cho hay. 

Đáp trả các cáo buộc, Vishwakarma cho biết ông đã yêu cầu chính quyền địa phương điều tra. 

"Tôi không biết tại sao vị bác sỹ đó lại buộc tội tôi", ông này nói. 

Thị trường rao bán huyết tương - vốn được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng xuất hiện theo nhu cầu. 

Hôm 12/5, các nhân viên cảnh sát ở thành phố Noida, bang Uttar Pradesh bắt giữ 2 người đàn ông bị cáo buộc bán huyết tương với giá 1.000 USD/đơn vị. 

Theo cảnh sát, một trong hai đối tượng lên mạng cầu xin huyết tương sau đó bán lại thông qua bên trung gian. 

Những người trẻ tuổi giỏi về công nghệ đang cố gắng giúp đỡ bằng cách tìm ra những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội. 

Đến giường bệnh cũng bị rao bán. (Ảnh: NYT)

Helly Malviya, một sinh viên đại học gắn cờ một bài đăng trên Twitter quảng cáo tocilizumab - một loại thuốc chống viêm đôi khi được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Người bán muốn bên mua trả trước 2.000 USD. 

Remdesivir trở thành tâm điểm của một số vụ lừa đảo những ngày này. Cảnh sát New Delhi mới đây bắt giữ 4 nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế bán lại các lọ thuốc remdesivir chưa sử dụng của bệnh nhân đã chết với giá 400 USD/lọ (hơn 9 triệu đồng). 

Trước khi loại thuốc này trở nên khan hiếm, giá bán của nó trong bệnh viện là 65 USD (gần 1,5 triệu đồng).

Gia đình Surin tới từ Lucknow, Uttar Pradesh phải trả 1.400 USD (hơn 32 triệu đồng) để mua 6 lọ remdesivir.

Surin nói gia đình cô không có nhiều sự lựa chọn. Mẹ và chị dâu cô ốm nặng.

"Chúng tôi có thể làm gì? Bác sỹ đã kê đơn, chúng tôi buộc phải mua nó", Surin cho hay. Dù vậy, mẹ cô vẫn không thể chống chọi nổi bệnh tật. 

Tiến sĩ Jawed Khan, chủ bệnh viện kê đơn thuốc cho người thân Surin cho biết do bệnh viện không còn đủ thuốc để cung cấp, các gia đình có thể tự mua và các bác sỹ sẽ giúp kiểm tra. 

Trong tháng này, cảnh sát bang Gujarat thu hồi 3.371 lọ chứa đầy glucose, nước và muối trong một cơ sở làm remdesivir giả. Nhiều liều remdesivir từ cơ sở này đã tuồn ra thị trường và thậm chí được đưa vào cơ thể bệnh nhân. 

Những người tìm tới thị trường chợ đen nhận thức được việc mình đang "đánh bạc". 

Anirudh Singh Rathore, một thương nhân 59 tuổi ở New Delhi tuyệt vọng tìm kiếm remdesivir cho người vợ của mình. Anh mua được 2 lọ với đúng giá niêm yết nhưng cần thêm 4 lọ nữa. 

Thông qua mạng xã hội, anh tìm thấy một người rao bán số thuốc anh cần, nhưng lấy giá gấp 5 lần. Anh chấp nhận và người bán giao hàng 2 lần. Rathore nhanh chóng phát hiện bao bì của 2 lô thuốc khác nhau. Người bán giải thích chúng được sản xuất bởi 2 công ty khác nhau. 

Rathores nghi ngờ nhưng không còn lựa chọn nào khác vì mức oxy bão hòa của vợ anh đang giảm. Tới ngày 3/5, vợ anh qua đời. 

Gượng dậy sau nỗi đau mất vợ, Rathore trình báo vụ việc với cảnh sát. 

"Lẽ ra vợ tôi đã được cứu nếu số thuốc đó là thuốc thật", anh cho hay. 

"Mọi người đang lợi dụng thời kỳ khủng hoảng vì lợi ích của chính họ. Đây là một cuộc khủng hoảng đạo đức", Rathores nói. 

Song Hy

Tin mới