Tiền giấy được phát hành lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1396 (dưới thời vua Trần Thuận Tông). Đây được xem là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy. Hồ Quý Ly chính là người đã cho ra lệnh phát hành và lưu thông tiền giấy. Theo Sử cũ chép lại: "Mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái năm thứ 9 (1396) (khi đó Hồ Quý Ly chưa cướp ngôi nhà Trần) bắt đầu phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao".
Thông bảo là tên gọi chung cho các loại tiền (chủ yếu là tiền đồng) dưới thời phong kiến ở Việt Nam, như: Thiên Cảm Thông Bảo (thời vua Lý Thái Tông); Thiệu Phong Thông Bảo (nhà Trần); Cảnh Hưng Thông Bảo (Thế kỷ XVIII); Tự Đức Thông Bảo (thời vua Tự Đức)...
(Ảnh: Nghệ thuật xưa)
Bên cạnh nghĩa Thông Bảo giống các loại tiền trước và sau đó, từ hội sao còn mang thêm một ý nghĩa nữa thể hiện trên tờ tiền. Hội trong từ hội họa; sao trong sao chụp, sao chép. Nghĩa là, đây là đồng tiền được lưu hành phổ thông, có giá trị và được vẽ và sao chụp lên những hình nhất định.
Tiền giấy gồm có 7 mệnh giá với những hình vẽ khác nhau để phân biệt:
Hình cây rong trên tờ 10 đồng
Hình vẽ cây rong cũng được tìm thấy trên một số công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần. Có thể đây là cách điệu của một loại cây lương thực chính của Đại Việt - cây lúa nước. Nó biểu trưng cho mùa màng, ước mơ vụ mùa bội thu, dân chúng no đủ, cũng là mong ước của các vương triều phong kiến.
Hình sóng nước trên tờ 30 đồng
Sóng nước luôn ở thế động và được cách điệu thành sóng nước như vảy cá. Sóng nước vừa gắn với đời sống kinh tế, lại gắn với văn hóa tín ngưỡng của cư dân Đại Việt.
Hình mây trời trên tờ 1 tiền
Theo quan niệm của người xưa, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc. Đối với cư dân nông nghiệp, mây báo hiệu cơn mưa, mang đến điềm báo cát tường, như mây ngũ sắc cũng có nghĩa là ngũ phúc.
Hình rùa trên tờ 2 tiền
Ảnh minh họa
Hình tượng Rùa là một biểu tượng thiêng liêng, là linh vật mang đến điềm lành, hạnh phúc cho con người. Con rùa cũng là biểu tượng cho sự "trung thành", "cam chịu" biểu hiện của hình ảnh làm thân cho hạc cưỡi trong các đình và vai trò đội bia trong kiến trúc các ngôi chùa. Thể hiện sự hài hòa âm dương, và ước mong sự trường tồn của một "vương triều".
Hình lân trên tờ 3 tiền
Kỳ lân là một con vật tưởng tượng, có đầu rồng thân thú, biểu tượng cho sự trường thọ, oai phong, báo hiệu điềm lành, biểu trưng cho hòa hợp âm dương. Kỳ lân khi xuất hiện là báo hiệu sự ra đời của minh chúa, hay bậc hiền nhân quân tử.
Hình phượng trên tờ 5 tiền
Phượng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương, cho phúc lộc và sự sang quý.
Hình rồng trên tờ 1 quan
(Ảnh: ANTT)
Rồng là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, uy lực bất bại trước kẻ thù. Trên hết, rồng đại diện cho Thiên tử, thể hiện quyền uy, củng cố thêm vương quyền và thần quyền tuyệt đối cho người đứng đầu đất nước.