Dữ liệu của Công ty TNHH Savills Việt Nam cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn COVID-19 vừa qua. Nguồn cầu bị ảnh hưởng lớn khiến các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Do vậy, giá thuê tại các "vị trí vàng" ở phố cổ Hà Nội giảm mạnh 30-40% so với đợt trước dịch. Các chủ nhà buộc phải chia sẻ, hỗ trợ cho khách thuê và doanh nghiệp đang lâm vào áp lực chi trả tiền thuê.
Giá thuê mặt bằng phố cổ Hà Nội giảm mạnh vì COVID-19. (Ảnh: Ngọc Khánh).
Còn tại các TTTM, tuy chủ sở hữu đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ lớn cho khách thuê nhưng lượng gian hàng trống vẫn tăng lên đáng kể. Khảo sát tại một số TTTM như The Garden, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Aeon Mall Hà Đông... cho thấy, nhiều cửa hàng đóng cửa trả mặt bằng.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của COVID-19 đã thấy rõ, mặc dù dịch có qua đi chăng nữa thì sức ảnh hưởng đến các sàn TTTM vẫn rất lớn. Nhất là khi thế giới vẫn chưa khống chế được COVID-19 thì các gian hàng trống vẫn rất nhiều và các mặt hàng không phải là thiết yếu vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội phân tích, các chủ nhà sẽ phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo giá chung của thị trường. Thực tế, các chủ nhà tại phố cổ đang tích cực đưa ra phương án giá phù hợp hơn với thị trường để thu hút khách thuê, điều này là chưa từng xảy ra trước đây.
Các chủ thuê đã linh hoạt hơn về phương án cho thuê như chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ, để khách thuê có thể lựa chọn. Đồng thời, các điều kiện như thời hạn cho thuê, điều chỉnh giá thuê đã linh hoạt hơn rất nhiều.
Dữ liệu từ báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam cho biết, đại dịch đã định hình lại thị trường cho thuê thương mại với các xu hướng mới tại Hà Nội.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội, đối với thị trường bán lẻ, giá thuê mặt bằng tiếp tục trong xu hướng giảm. Do chưa thể dự đoán về diễn biến dịch COVID-19 nên có thể một số dự án mới sẽ hoãn thời gian mở cửa. Thị trường đang mở rộng về phía Đông và khu vực phía Tây; cơ hội sắp tới vẫn dành nhiều cho thương mại điện tử.
Tăng trưởng mua sắm trực tuyến cùng với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các nhà bán lẻ theo hình thức truyền thống và chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải phát triển kế hoạch thu hút khách đến theo các chiến lược sáng tạo hơn.
“Nghiên cứu doanh thu bán lẻ qua các năm có thể thấy khi có những tác động lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu hay như COVID-19 chỉ mang tính ngắn hạn. Thị trường sẽ dần phục hồi trở lại sau đó”, bà Hằng nhận định.
Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám, theo dữ liệu của Savills, tại TTTM vẫn có doanh nghiệp có doanh thu cao lên tới 20% so với trước dịch. Sự xuất hiện những điểm sáng này là do các siêu thị có doanh thu cao, trong khi được ưu đãi về giá thuê thấp hơn so với các đơn vị bán lẻ khác.