Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam đã có những phục hồi, tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất và giá cho thuê của thị trường.
Theo Cục thống kê TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ 6 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ. Tín hiệu tích cực chỉ thấy ở doanh thu hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ.
Số liệu mới công bố của CBRE cho thấy tại một số chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, doanh thu trong tháng 6 đã hồi phục 40 - 70% so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên mức độ hồi phục không đồng đều.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam nhận xét các lĩnh vực bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều về khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, dân văn phòng có mức độ hồi phục chậm hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng kinh tế nói chung lên mức thu nhập của người dân.
Ước tính đến hết năm 2020, tâm lý của người tiêu dùng vẫn sẽ dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm về sức khỏe.
Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy trong 3 tháng vừa qua, giá thuê mặt phố tiếp tục giảm ở nhiều quận tại cả hai thị trường TP.HCM và Hà Nội.
Một số mặt bằng nhà phố cho thuê tại khu trung tâm TP.HCM vẫn chưa có khách thuê. (Ảnh: Chí Hùng).
Ở Hà Nội, các khu vực đông đúc dân cư như quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân có mức giá thuê giảm 2-7%. Còn tại TP.HCM, khu vực quận 1, Bình Thạnh, Tân Phú giá thuê giảm tới 14-16%.
Đối với phân khúc TTTM, nếu không tính đến các ưu đãi, chính sách hỗ trợ tạm thời của chủ đầu tư thì giá chào thuê quý II/2020 không thay đổi nhiều so với 3 tháng đầu năm.
So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng 1 ở khu trung tâm TP.HCM tăng 3,8%, đạt gần 140 USD/m2/tháng và khu ngoài trung tâm giảm 0,9% xuống còn khoảng 37 USD/m2/tháng. Trong khi đó, ở Hà Nội, giá khu trung tâm đạt 98,1 USD/m2/tháng và giá khu ngoài trung tâm khoảng gần 30 USD/m2/tháng.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy mức độ thay đổi của tỷ lệ trống hiện nay phụ thuộc nhiều vào mô hình bán lẻ. Các TTTM vốn có lưu lượng khách hàng tốt phục hồi nhanh hơn trong khi các dự án có cơ cấu ngành hàng không đa dạng hoặc không phù hợp, tỷ lệ trống có thể cao hơn, tỷ lệ trống tăng 4%, TTTM tổng hợp tăng nhẹ 0,5%, khối đế bán lẻ tăng mạnh 9%.
Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với TTTM, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Siêu thị, cửa hàng liên quan đến sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường.
Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với TTTM, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường.
Theo thống kê của CBRE Châu Á Thái Bình Dương, hơn 65% nhà bán lẻ trả lời sẽ dừng các hoạt động mở rộng và tập trung hơn vào đánh giá tình hình hoạt động hiện tại. Bên cạnh đó, gần 50% nhà bán lẻ hoãn các hoạt động nghiên cứu mặt bằng mới và 36% muốn cắt giảm chi phí đầu tư vào cửa hàng.
Trong quý II vừa qua, Uniqlo mở thêm hai cửa hàng tại TP.HCM và trong quý 3, thành phố sẽ chào đón thêm MUJI, một thương hiệu mới từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là những giao dịch từ năm 2019. Ngoài ra, số lượng các thương hiệu mới vào Việt Nam giảm hẳn so với bốn năm trước đây.