Sau nhiều lần liên tiếp giảm giá xăng, E5 RON92 đã về mức 22.231 đồng/lít và xăng RON95 là 23.215 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước taxi tại TP.HCM vẫn đang neo ở mức cao. Việc xăng giảm giá rất mạnh nhưng giá cước taxi vẫn nhất quyết không giảm khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc.
Là người thường xuyên di chuyển bằng taxi, anh Nguyễn Thành Tân (ngụ quận 3, TP.HCM) cho hay, giá xăng đã giảm gần 10.000 đồng/lít so với lúc đỉnh điểm cách đây hơn 2 tháng và lùi về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nhưng giá cước taxi không giảm khiến cho khoản chi phí dành cho đi lại của anh và gia đình khá tốn kém.
Xe taxi Mai Linh.
"Do đặc thù công việc, nên hầu như mình phải đi taxi. Chính vì thế, mỗi lần di chuyển từ công ty đến các điểm gặp khách hàng cũng tốn kha khá tiền", anh Tân nói.
Theo anh Tân, Công ty anh ở TP Thủ Đức (cách nhà khoảng 11km), trung bình mỗi tháng anh lên công ty khoảng 8 lần, cước taxi từ nhà tới công ty ở thời điểm hiện tại khoảng 500.000 đồng/2 chiều, tổng 1 tháng anh anh phải chi 4 triệu đồng.
"Trước kia giá chỉ rơi vào khoảng hơn 400.000 đồng/2 chiều và tôi chi tiền di chuyển bằng taxi 3,2 triệu đồng thôi, nay phải mất thêm 800.000 nghìn đồng mỗi tháng", anh Tân cho hay.
Theo khảo sát của VTC News tại TP.HCM trong sáng 14/9, hãng taxi Mai Linh dù giảm cước sau khi xăng liên tục giảm giá vừa qua, song mức niêm yết vẫn rất cao.
Cụ thể, giá mở cửa xe 5 - 7 chỗ đều 20.000 đồng; từ km thứ 2 đến km 25 đối với xe 5 chỗ có giá 16.800 đồng/km, còn 7 chỗ có giá 18.600 đồng/km.
Bảng giá taxi Mai Linh trong ngày 14/9. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Theo tìm hiểu của PV VTC News, thời điểm xăng tăng giá, hãng taxi Mai Linh cũng tăng gần 1.000 đồng/km và lúc giá xăng giảm, hãng cũng đã giảm gần 1.000 đồng/km.
Trong khi đó, hiện hãng Vinasun Taxi vẫn chưa giảm giá cước, cụ thể giá mở cửa 11.000 đồng, trong phạm vi 30km giá 18.200 đồng/km, từ km thứ 31 trở đi giá 15.100 đồng/km.
Một tài xế hãng Vinasun Taxi cho hay, giá hiện tại là giá từ thời điểm xăng tăng trên 30.000 đồng/lít, giá cước như thế này cũng thiệt thòi cho hành khách.
"Hầu như khách lên ai cũng hỏi về giá cước tại sao chưa giảm, trong khi đó xăng đã giảm rồi, hỏi miết nên tôi ngại lắm", tài xế này cho hay.
Tại Hà Nội, theo khảo sát của VTC News sáng 14/9, hãng taxi Mai Linh có mức giá mở cửa là 20.000 đồng (xe 5 chỗ), từ 1,28km đến dưới 30km giá cước là 16.000 đồng/km.
Với xe 5 chỗ, Taxi Thanh Nga đang có giá 14.500 đồng/km cho 2km đầu tiên; từ km thứ 2 đến km thứ 21, giá cước là 12.500 đồng/km, giảm 500 đồng so với hồi cuối tháng 7.
Bảng giá taxi Vinasun Taxi trong sáng 14/9. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Trả lời VTC News, ông Tạ Quang Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho hay, việc tăng giảm giá cước taxi phải theo biên độ 10%, không phải xăng giảm, giá cước taxi giảm liền hay xăng tăng thì giá cước taxi tăng liền.
"Việc tăng giảm theo giá cước, các hãng xe công nghệ làm được, còn taxi truyền thống thì không làm nhanh như thế được", ông Hỷ nói.
Theo ông Hỷ, muốn tăng giảm giá cước taxi phải đăng ký giá cấp cơ quan có thẩm quyền và được họ cho phép. Ngoài ra, mỗi lần thay đổi, toàn bộ xe của từng hãng phải làm lại lập trình, Trung tâm Kiểm định của TP sẽ lập biên bản từng đồng hồ, rồi phải tách ra và lập trình lại. Việc này mất nhiều thời gian của tài xế taxi và chưa kể đến khoản phí cho mỗi lần thay đổi này.
"Trong tình hình hiện nay thị trường cung cầu đã tương đối ổn định, vấn đề cân nhắc giảm hay tăng làm chúng tôi rất đau đầu. Hiện chúng tôi đã đăng ký giá cước hết rồi, nhưng vấn đề đặt ra là cơ cấu xe của mỗi hãng khác nhau nên mỗi lần thay đổi lập trình cũng khó khăn cho các hãng taxi. Chúng tôi cũng tìm hiểu và đánh giá cụ thể, cơ chế thị trường về giá thì taxi phải cân nhắc rất kỹ, không ai dại gì để giá cao mà khách hàng bỏ mình đâu", ông Hỷ nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 1 đến 7/2022, giá xăng tăng từ khoảng 23.000 lên hơn 30.000 đồng/lít (tăng khoảng 29%). Trong khi đó giá cước taxi chỉ tăng khoảng 8%. Đến thời điểm hiện tại, dù giá xăng giảm nhiều lần nhưng vẫn cao hơn so với hồi đầu năm 2022 khoảng 9%. Như vậy, giá cước taxi vẫn hợp lý.
“Như ở Hà Nội, giá cước taxi trong khoảng 20 - 30km có mức giá khoảng 15.000 - 17.000 đồng/km thì không phải là cao. Nhất là nếu khách đặt cả chiều đi chiều về lại càng rẻ, nhiều hãng khuyến mãi chiều về 70 - 80% thay vì 50% như trước, như vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Hùng nói.
Ông Hùng phân tích thêm, về bản chất, của các doanh nghiệp vận tải, nhất là các hãng taxi không phải muốn điều chỉnh giá là làm được ngay vì mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém, đủ các loại thủ tục. Theo ông Hùng, với các hãng taxi truyền thống, mỗi lần điều chỉnh giá cước sẽ rất phức tạp, trong đó có việc đăng ký với cơ quan kiểm định đồng hồ km.
Ngoài ra, các hãng cũng phải bỏ một khoản phí lớn vì một xe khi điều chỉnh cước mất chi phí 100.000 đồng và 50.000 đồng phí thay đổi bộ nhận diện bảng giá cước bên ngoài thành xe. Như vậy, mỗi lần điều chỉnh cước, mỗi đầu xe tốn ít nhất 150.000 đồng, chưa kể chi phí bến bãi, công thực hiện. Đây là vấn đề rất tốn kém khiến các doanh nghiệp taxi phải hết sức thận trọng trong điều chỉnh giá.
"Một lý do nữa khiến cước taxi hiện chưa giảm là xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng từ 30 - 35% cấu thành giá, bên cạnh đó các mặt hàng, dịch vụ khác hiện nay vẫn đang tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Do vậy, các doanh nghiệp hiện hoạt động chưa thể có hiệu quả. Tuy vậy, các doanh nghiệp taxi đã sẵn sàng phương án điều chỉnh cước nếu giá xăng dầu bình ổn ở mức từ 23.000 đồng/lít trở xuống”, ông Hùng nói.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích, theo Luật giá, các hãng chủ động xây dựng, kê khai giá với cơ quan chức năng, Nhà nước chỉ thẩm định chứ không can thiệp và áp đặt. Giá là do thị trường cạnh tranh quyết định, nhiều nguồn cung thì các doanh nghiệp cạnh tranh hạ giá thành, còn khan hiếm thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ, thậm chí tăng giá để có càng nhiều lợi ích càng tốt.
"Nếu các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước dù có điều kiện giảm thì trước hết là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của họ, thậm chí là mất sự cạnh tranh với các hãng khác. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải tự xem xét lợi ích trước mắt hay lâu dài để niêm yết, điều chỉnh giá phù hợp", ông Liên nêu quan điểm.