Hôm 12/9, tại Trung tâm Fidel Castro Ruz ở Thủ đô La Habana, Cuba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz (9/1973-9/2023). Cụ thể, cách đây tròn 50 năm, vào ngày 15/9/1973, ngay khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khốc liệt nhất, vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã tới thăm chiến trường Quảng Trị.
'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng giọt máu'
Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt, là biểu tượng cao nhất cho tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro và Nhân dân Cuba đối với Việt Nam; khẳng định Cuba hết sức khâm phục cuộc đấu tranh anh dũng của Việt Nam chống đế quốc xâm lược, không chỉ vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc mình, mà còn là sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trên thế giới vì độc lập, quyền tự quyết dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Lãnh tụ Fidel Castro là người chèo lái, đưa con thuyền cách mạng Cuba vượt qua muôn vàng sóng to, gió lớn mà Đế quốc Mỹ và lực lượng phản động gây ra. Bản thân ông khi ấy đã trở thành mục tiêu của nhiều âm mưu ám sát.
Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)
Bất chấp hiểm nguy rình rập, lãnh tụ Cuba vẫn quyết đến thăm mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, vào thời điểm chiến tranh còn đang tiếp diễn. Đồng thời, sự có mặt của vị lãnh tụ Cuba khi ấy không chỉ thể hiện tình cảm của ông với nhân dân Việt Nam mà còn như một lời thúc giục, tiếp sức để bộ đội ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, thực hiện tâm nguyện của lãnh tụ Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc - Nam thống nhất”.
Đến thăm chiến trường Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro đã băng qua Dốc Miếu, nơi dựng hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi đi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Cũng tại đây, vị lãnh tụ Cuba đã phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên Cao điểm 241 hay còn gọi là căn cứ Carol, giữa nơi ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị.
Chuyến thăm lịch sử của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất tới chiến trường miền Nam Việt Nam còn ghi dấu với một câu nói bất hủ, thể hiện trọn vẹn nghĩa tình của ông cũng như toàn bộ đất nước Cuba dành cho Việt Nam: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả giọt máu của mình”.
Theo PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba, trên thực tế, lãnh tụ Fidel Castro đã đưa ra phát biểu này lần đầu vào năm 1966 tại cuộc mít-tinh tại Quảng trường Cách mạng thủ đô Havana (Cuba) cuộc mít-tinh nhằm ủng hộ và thể hiện tinh đoàn kết giữa các khu vực châu Á - Phi - Mỹ Latinh.
Vị lãnh tụ Cuba nhấn mạnh cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam không đơn thuần chỉ vì độc lập của đất nước Việt Nam mà còn vì độc lập và tự do cho cả thế giới, bao gồm Cuba. Ông giải thích, Đế quốc Mỹ khi ấy phải đối phó với quân và dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam nên không có điều kiện tấn công cách mạng Cuba. Bởi vậy, người Việt Nam thực chất đang chiến đấu cho cả Cuba và nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh.
Cũng từ đó, lãnh tụ Fidel Castro đã bắt đầu một hoạt động giáo dục chính trị cao cả, giải thích cho nhân dân trên toàn thế giới biết rằng chính Cuba mới phải mang ơn Việt Nam và rằng “Việt Nam đánh Mỹ không chỉ vì giải phóng dân tộc mà còn vì Cuba và các nước Á - Phi - Phi Mỹ Latinh”.
“Tôi cho rằng đây là một trong những bài giáo dục chính trị, giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản sinh động nhất. Chúng tôi đã từng tôi giảng dạy quan hệ quốc tế mấy chục năm rồi, mỗi lần đọc lại lời phát biểu này tôi vẫn rất cảm động. Nhờ những công tác giáo dục chính trị rất công khai, rõ ràng, nhất quán nên đến tận hôm nay, nhân dân Cuba từ tuổi trẻ tuổi cho đến những người đã cao tuổi đều nhớ khẩu hiệu của Fidel và hiểu được rằng, giúp Việt Nam là để thể hiện lời tri ân đối với quân và dân Việt Nam, đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Cuba và của các dân tộc Á - Phi - Mỹ Latinh”, PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo tâm sự.
Sau chuyến thăm Quảng Trị, vị lãnh tụ Fidel Castro tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, ông đã đề nghị Quốc hội Cuba viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, giúp Việt Nam xây dựng Bệnh viện tại tỉnh Đồng Hới.
“Theo tôi, trong lịch sử thế giới hiện đại, Fidel Castro xứng đáng là nhà chính trị tiêu biểu cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thể hiện rõ nét nhất với cách mạng Việt Nam chúng ta”, PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo nói thêm.
Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam (Ảnh: vtv.vn)
Những năm tháng sau dấu mốc lịch sử tại chiến trường Quảng Trị và tới thời điểm hiện tại, mối quan hệ Việt Nam - Cuba vẫn được duy trì vô cùng tốt đẹp, vượt qua cả những rào cản, khó khăn và thách thức về mặt địa lý cũng như thời đại.
Trong số 191 quốc gia, vùng lãnh thổ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Cuba vẫn luôn được đặt ở một vị trí quan trọng. PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo khẳng định: “Nhắc đến người đã từng giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư, trong sáng, thủy chung trước sau như một trong những lúc khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam và trong những giây phút chiến thắng huy hoàng nhất, không ai khác chính là Cuba - một đất nước anh em tuy nhỏ bé, xa xôi nhưng mà luôn luôn sát cánh bên cạnh quân và dân Việt Nam”.
Quan hệ son sắt, thuỷ chung
Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960, hai năm sau khi Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cuba là nước luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chấp thuận Phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962), thành lập Ủy ban Đoàn kết với Miền Nam Việt Nam (25/9/1963), công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965); cử Đại sứ bên cạnh Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (3/1969)… Cuba cũng dành nhiều sự giúp đỡ về kinh tế, quân sự cho Việt Nam vào những thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh.
Sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 có lẽ là sự kiện tác động rất phức tạp đến tất cả các nước XHCN, trong đó có Việt Nam và Cuba trong thời kỳ lịch sử hiện đại. So với Việt Nam, Cuba chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Thế nhưng, Cuba vẫn kiên cường, không chỉ giữ vững mục tiêu CNXH mà còn giữ vững ưu việt XHCN cho nhân dân. Người dân tuy không khá giả nhưng vẫn đủ đảm bảo cuộc sống. Cuba vẫn duy trì nền giáo dục, y tế chất lượng cao, miễn phí cho toàn dân. Hầu hết hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao cũng được miễn phí.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba Raul Castro Ruz. (Ảnh: TTXVN)
PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo nhận xét: “Chưa bao giờ tôi gặp một trẻ em suy dinh dưỡng cũng như những gương mặt buồn ở Cuba. Người Cuba rất tươi vui và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn ở phía trước".
Nhận xét về quan hệ Việt Nam - Cuba, PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo chia sẻ: “Quan hệ Việt Nam Cuba trong suốt hơn 60 năm qua liên tục được phát triển. Không có khoảng trầm lắng hay đứt quãng mà chỉ có đổi mới nội dung và hình thức thể hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể”.
Việt Nam và Cuba tiếp tục giúp đỡ nhau với những nội dung và hình thức mới, phù hợp với bối cảnh tình hình mỗi giai đoạn. Về nội dung, hai nước giúp đỡ nhau ở những vấn đề thiết thực. Nếu như trước kia Cuba san sẻ với Việt Nam từng cân đường thì ngày nay chúng ta sẵn sàng san sẻ cho Cuba từng hạt gạo.
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang thăm Cuba đã viện trợ tạm thời cho người dân nước này 500.000 tấn lương thực. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho Cuba, ít nhất là về mặt lúa gạo.
Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, làm ăn ở Cuba, sản xuất những mặt hàng thiết yếu tại Cuba. Trong đó, Viglacera sản xuất mặt hàng đồ sứ, Công ty Thái Bình sản xuất xà phòng, nước gội đầu và sản phẩm từ xà phòng làm sao đủ cho Cuba dùng…
Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã cử rất nhiều đoàn chuyên gia sang triển khai các dự án. Trong đó, có dự án trồng lúa gạo, vì Cuba có mặt thổ nhưỡng tốt, có những vùng trồng lúa. Chuyên gia Việt Nam sang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để nước bạn tự trồng lúa. Những dự án triển khai hợp tác kinh tế này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng Cuba không chỉ về quan điểm mà còn cả về tiếng nói. Việt Nam đi đầu trong việc lên tiếng mạnh mẽ, nhất quán trong việc yêu cầu Chính phủ Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba. Nhiều nước cũng phân tích, chỉ ra rằng chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã lỗi thời, không thể hiện vấn đề sinh hoạt chính trị thế giới văn minh.
Việt Nam và Cuba hiện có mục tiêu chung là kiên định con đường CNXH, vừa sáng tạo, đổi mới, vừa kế thừa thành tựu và kinh nghiệm đã có. Do đó, cần phải biết đầu là mục tiêu lâu dài, đâu là mục tiêu trước mắt, không được phiêu lưu, duy ý chí, thực hiện ngay trong mọi hoàn cảnh.
“Không phải ngẫu nhiên mà hai dân tộc Việt Nam - Cuba gắn bó với nhau, mà chúng ta gắn bó từ những mục tiêu giá trị cách mạng lớn lao”, PGS.PTS Nguyễn Viết Thảo nhận xét.