Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội và TP.HCM liên quan đến đề nghị xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài và xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT đang tích cực đàm phán với nhà đầu tư để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, bất cập tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Đàm phán để xóa bỏ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài
Liên quan đến đề nghị xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài trên tuyến đường Võ Văn Kiệt mới, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc xử lý tồn tại, bất cập trạm phí này cần phải được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích và tôn trọng quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng đã ký kết.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trước khi triển khai dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài do Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức quản lý, thu phí nộp ngân sách Nhà nước.
Trước đó, các lái xe cùng treo băng rôn đi đến trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài rồi cho xe dừng tại đây yêu cầu chủ đầu tư di dời trạm về tuyến đường tránh.
Ngày 23/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh thị xã Vĩnh Yên theo hình thức BOT với nguồn vốn đầu tư từ thu phí trên tuyến đường Bắc Thăng Long-Nội Bài. Tổng cục ĐBVN cùng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần VIETRACIMEX 8 đã ký kết hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ngày 14/8/2007 để triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật.
Khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động theo Nghị định mới, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ; trong đó giao Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay.
Năm 2013, trên cơ sở ý kiến của cử tri và UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xử lý bất cập tại trạm thu phí này theo hướng ghép với trạm thu phí của dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên hoặc Nhà nước bố trí vốn mua lại bằng ngân sách Nhà nước.
Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài là điển hình của kiểu làm đường một nơi, thu phí một nơi.
Năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo hợp đồng BOT đã được ký kết với nhà đầu tư.” Vì vậy, trạm thu phí này tiếp tục được hoạt động đến nay.
Cuối năm 2018, một số lái xe phản đối, dừng xe tại trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài gây mất an ninh trật tự và mất an toàn giao thông, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục ĐBVN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và nhà đầu tư để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí.
Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 2 đang triển khai đồng thời 2 dự án BOT (dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên và dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên), trong đó dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên đang trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN tích cực đàm phán với các nhà đầu tư của 2 dự án nêu trên để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài đồng thời với việc dừng thu phí hoàn vốn tại dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên, trên cơ sở đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.
Đường sắt Cát Linh chậm tiến độ, trách nhiệm của...tổng thầu?
Trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM về việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn trách nhiệm chính thuộc đơn vị tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn trách nhiệm chính thuộc đơn vị tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư là Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án. Đồng thời, đơn vị tư vấn thành lập dự án phải chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư, chủ đầu tư của công tác giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng…
Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng với đơn vị tổng thầu, xác định rõ trách nhiệm giữa các bên để xử lý, giải quyết phù hợp điều kiện của hợp đồng với đơn vị tổng thầu.
Bộ GTVT cũng cho biết, đến thời điểm này dự án chưa được đưa vào khai thác do vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý một số hạng mục thiết bị trước khi bàn giao.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện mới có 4 cán bộ chủ chốt của dự án được cấp visa quay lại Việt Nam sau kỳ nghỉ tết và đang thực hiện cách ly trước khi quay lại làm việc.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế hỗ trợ chỉ đạo giải quyết cho các nhân sự của dự án sớm quay lại Việt Nam, đưa dự án vào chạy thử trong thời gian tới.