Theo cơ chế tài chính của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng, cho tới khi thoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án khi dự án được bàn giao từ Bộ GTVT.
Tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục gặp khó.
Với cơ chế tài chính này, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án (QLDA) cho biết, hiện nay dự án đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư là 1,957 tỷ đồng.
Đánh giá những khó khăn trong quá trình thực hiện và đi vào khai thác dự án, Ban QLDA đã dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 1552,709 tỷ đồng. Ban QLDA cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP.Hà Nội hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho hay, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại để xem xét, thẩm định, quyết định. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc phần vốn vay lại chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ GTVT thông tin, trong bối cảnh Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại, việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và có thể dẫn tới những hệ luỵ hết sức nghiêm trọng về kinh tế. Vì vậy, ngày 21/1/2020, Bộ GTVT có Quyết định số 100, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 triệu USD của dự án, khoản kinh phí này đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân.
Với tình hình hiện nay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án. Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký.
Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án giãn thời gian trả nợ gốc phần vốn cho vay lại cho đến khi hoàn thành dự án và chuyển giao trách nhiệm nhận, trả nợ từ Bộ GTVT sang UBND TP.Hà Nội. Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí ngân sách để trả nợ nước ngoài khoản vay lại của dự án theo đúng hạn, đảm bảo uy tín trả nợ của Chính phủ.
Theo chấp thuận và chỉ đạo của Thủ tướng, liên Bộ GTVT, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư đã họp bàn xem xét, thống nhất phương án bố trí vốn trả nợ gốc khoản vay lại cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện nay tiếp tục bị chậm do tình trạng lây lan virus viêm phổi corona. Trả lời VTC News, đại diện Bộ GTVT cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia Trung Quốc tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) không thể quay lại Việt Nam làm việc. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, phải đến ngày 9/2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. Còn tại Việt Nam, hiện cũng chỉ xem xét cấp visa cho khách công vụ. Do đó, các chuyên gia Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tạm thời chưa thể sang Việt Nam làm việc.
Điều này khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ. Hiện Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này.