Ngày 12/8, sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bà P.T.H (54 tuổi, quê Khánh Hòa) đã được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiến hành phẫu thuật thành công.
Trước đó, bà H. nhập viện khi bị ung thư lưỡi ở giai đoạn cuối, khối bướu và hạch hai bên rất lớn. Sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bà H. bước vào phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, ca mổ khó khăn do hạch quá lớn dính vào động mạch cảnh. Sau khi nạo hạch 2 bên, cắt khối bướu, bà được tạo hình lưỡi từ phần cơ và da ở ngực.
TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)
"Ca phẫu thuật như giải thoát bà H. khỏi những tháng ngày không thể ăn uống, nói chuyện, người nhà phải xay cháo để bà ăn qua ống hút", BS Khôi nói.
Theo BS Khôi, ung thư lưỡi không phổ biến nhưng khiến người bệnh khổ sở và thường điều trị trễ. Khi đó, cơ hội sống và chất lượng sống của bệnh nhân đều giảm sút nghiêm trọng. Mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 150-200 ca ung thư lưỡi. Ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống còn sau 2 năm chỉ khoảng 40%.
BS Khôi cho biết thêm, khoảng 70% người bị ung thư lưỡi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4. Vùng khoang miệng, lưỡi đã lở loét nặng nề. Dù chỉ nuốt nước bọt, người bệnh cũng đau đớn. Miệng bốc mùi khó chịu do không thể vệ sinh. Nhiều trường hợp suy kiệt vì không ăn uống được.
"Từ năm 2018 đến nay, khoảng 300 bệnh nhân đã được thực hiện tái tạo toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư tại đây, tỷ lệ thành công lên đến 98%. Mỗi ca phẫu thuật này kéo dài khoảng 8 giờ. Chi phí thực hiện phẫu thuật này ở Singapore khoảng 100.000 USD, còn ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là 18 triệu đồng, chưa bằng 1%", BS Khôi cho hay.
Bệnh nhân khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, khối u chiếm toàn bộ lưỡi sẽ sưng to, khoang miệng trũng xuống tận vùng cổ. Sau khi ê-kíp cắt bỏ khối bướu lớn, bác sĩ có thể nhìn xuyên từ cằm lên tận vòm miệng người bệnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ cắt khối u, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong vì dịch tiết đường họng đi vào phổi gây viêm. Do đó, các ca mổ cho bệnh nhân ung thư lưỡi luôn gồm 2 phẫu thuật: Cắt bỏ và tái tạo.
"Sau khi lấy một vạt có cơ và da ở vùng bụng hoặc đùi, đủ độ dày để tạo hình lưỡi, bác sĩ sẽ đưa lên để “gắn” thành lưỡi mới cho người bệnh, lấy vạt da có máu nuôi để che phủ bên ngoài. Những ca vi phẫu tạo hình như vậy thường kéo dài khoảng 7-8 giờ. Người bệnh có thể chấm dứt những đau đớn, được tập nuốt, tập nói. Nhiều trường hợp liên hệ cảm ơn bác sĩ một cách rành rọt qua điện thoại với chiếc lưỡi mới", BS Khôi chia sẻ.