Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tưởng nhiệt miệng, chàng trai 19 tuổi phát hiện ung thư lưỡi

Nam thanh niên 19 tuổi ở TP.HCM phát hiện ung thư lưỡi sau thời gian bị vết loét như nhiệt miệng, uống thuốc không khỏi.

Cách đây khoảng 4 tháng, nam bệnh nhân 19 tuổi xuất hiện vết loét nhỏ ở lưỡi, tưởng nhiệt miệng nên mua thuốc uống. Gần đây lưỡi loét hơn, ăn uống khó khăn, anh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thăm khám và phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 3.

Tiến sĩ Bùi Xuân Trường, Trưởng Khoa Ngoại 5, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết đây là bệnh nhân ung thư lưỡi trẻ nhất mà ông gặp trong 30 năm làm việc tại bệnh viện. Khối u ăn sâu vào đáy lưỡi.

Ngày 22/10, hai ê kíp bác sĩ đã trải qua 5 giờ phẫu thuật cắt hơn nửa lưỡi, nạo hạch cổ và tái tạo lưỡi mới từ vạt da đùi cho bệnh nhân.

Chàng trai có chiếc răng sâu nhọn đâm vào lưỡi gây nhiễm trùng nên bác sĩ nhổ răng để hậu phẫu tốt hơn.

Trước đây những ca thế này bác sĩ không dám phẫu thuật vì kỹ thuật mổ và tạo hình phức tạp, rủi ro cao. "Nhưng nếu không làm bệnh nhân trẻ sẽ mất cơ hội sống nên chúng tôi cố gắng đến cùng", bác sĩ Trường chia sẻ.

Bác sĩ Trường thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: Lê Phương)

Theo bác sĩ Trường, trước kia ung thư lưỡi gặp chủ yếu ở bệnh nhân trên 50-60 tuổi. Gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa, gặp nhiều ở tuổi dưới 40.

Trong tuần qua, ngoài nam bệnh nhân 19 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM còn phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 26 tuổi mắc bệnh này.

Nguyên nhân ung thư lưỡi chưa xác định rõ, nổi lên một số yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá, uống rượu bia, vệ sinh răng miệng kém, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, C, D, thói quen nhai trầu, xỉa thuốc. Gần đây các nhà nghiên cứu nghi ngờ yếu tố virus HPV có liên quan đến bệnh.

Giai đoạn sớm, có thể gặp các dấu hiệu bệnh ung thư lưỡi như cảm giác hơi vướng ở lưỡi, lúc khám chỉ thấy một vùng dày lên, hoặc vùng biến đổi màu, vết loét nhỏ. Các triệu chứng thường giống nhiệt miệng nên dễ bị bỏ qua. 

Giai đoạn trễ hơn bệnh nhân đau, chảy máu, tiết nước miếng nhiều, có mùi hôi do bướu nhiễm trùng, lưỡi khó cử động. Khám thấy khối bướu chồi sùi rõ như bông cải, có thể có vết loét xâm nhiễm cứng trong miệng. Giai đoạn cuối bướu xâm lấn sâu hơn, chảy máu, đau nhức, khó nuốt, di căn hạch cổ, làm cho bệnh nhân suy kiệt, tử vong.

Phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ khỏi bệnh cao. Tỷ lệ sống còn trên 5 năm của bệnh nhân giai đoạn 1-2 khoảng 70-80%, giai đoạn 3-4 còn khoảng 30-40%. Hiện nay sau khi mổ cắt phần lưỡi chứa bướu, các bác sĩ có thể tái tạo lưỡi hướng đến mục đích phục hồi chức năng phát âm, nuốt, cảm giác, cử động lưỡi. 

Nguồn: VnExpress

Tin mới