Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đức Ông được thờ trong các ngôi chùa là ai?

(VTC News) -

Hầu hết các ngôi chùa Phật giáo truyền thống đều có một ban riêng thờ Đức Ông, còn gọi là Đức Chúa Ông, vậy ngài là ai?

Đức Chúa Ông là một thương nhân cực kỳ giàu có ở Kosala, một trong những vương quốc của Ấn Độ cổ đại, và là đệ tử tại gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông tên thật là Tu Đạt (Sudatta), vì nổi tiếng thường xuyêny chu cấp, giúp đỡ người nghèo khó, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư nên mọi người kính ngưỡng tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc (Anathapindika - người chu cấp cho những người cô đơn, nghèo khổ...) 

Sau khi được nghe Phật giảng pháp và trở thành đệ tử tại gia của ngài, trưởng giả Cấp Cô Độc phát nguyện sẽ xây một tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ quê mình để cúng dường Phật, giúp giáo đoàn có chỗ tu tập và hành đạo và những người dân quê mình có cơ hội được đi theo con đường giác ngộ. Tuy nhiên, ông đã đi xem nhiều nơi trong kinh thành vẫn chưa ưng ý địa điểm nào, cho đến khi biết đến khu vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta) con vua Ba Tư Nặc (Pasenadi). Nơi này không chỉ rộng rãi, phong cảnh tươi đẹp mà còn u nhã, thanh tịnh, rất hợp xây tu viện.

Cấp Cô Độc đến gặp thái tử, trình bày nguyện vọng mua lại khu vườn, thái tử nói đùa: "Khu vườn ấy là của phụ hoàng cho tôi. Tôi quý nó như vàng. Nếu ông có thể đem vàng ròng trải kín đầy mặt đất khắp khu vườn thì tôi mới chịu bán nó cho ông". Cho đây là lời nghiêm túc, vị thương gia giàu có hứa ngay sáng hôm sau sẽ chở vàng tới. Thái tử lúc đó mới giật mình bảo mình chỉ đùa thôi chứ không bán vàng, nhưng Cấp Cô Độc lắc đầu: "Ngài là bậc vương giả, ngài đã nói điều gì thì điều ấy không thể chối bỏ được".

Trưởng giả Cấp Cô Độc cho gia nhân dùng vàng lát kín vườn.

Cực chẳng đã, thái tử đành đồng ý, hy vọng Cấp Cô Độc không có đủ vàng. Không ngờ sáng hôm sau, thái tử đến xem thì thấy gia nhân của vị triệu phú đang lót vàng trên mặt đất. Thấy sự lạ, chàng bèn hỏi kỹ, biết khu vườn sẽ được tặng cho giáo đoàn của Phật làm tu viện.  Thấy Cấp Cô Độc đang đứng suy tư khi vàng đã được trải gần kín hết khu vườn, thái tử hỏi ông: "Ông đang nghĩ gì mà không tiếp tục lát cho xong, có phải ông muốn đổi ý?". Câu trả lời là: "Tôi đang nghĩ xem làm thế nào mà trải vàng lấp được những gốc cây. Khó quá!".

Thái tử Kỳ Đà càng tò mò về vị Phật được nhắc đến và đề nghị Cấp Cô Độc nói cho chàng nghe về ngài. Nghe xong, thái tử nói: "Thôi, lót vàng như thế cũng đủ rồi, đừng suy nghĩ nữa. Thẻo đất trống còn lại, và tất cả cây trong vườn, tôi xin cúng dường Phật, gọi là xin đóng góp chút ít vào công trình cao đẹp của ông. Cứ coi như là ông cúng đất và tôi cúng cây để xây tu viện".

Tổng cộng, triệu phú Cấp Cô Độc đã lát 1,8 triệu miếng vàng trong vườn của Thái tử Kỳ Đà. Sau 4 tháng, ông xây xong tu viện gồm tịnh thất của Phật, tăng xá, thiền đường, giảng đường, nhà dưỡng bệnh, nhà tắm, hồ nước, đường thiền hành... đầy đủ tiện nghi, thậm chí bề thế hơn cả tu viện Trúc Lâm của giáo đoàn trước đó. Tu viện được gọi bằng nhiều tên: Kỳ Viên, Kỳ Hoàn, Cấp Cô Độc, hay Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.

Trưởng giả Cấp Cô Độc được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước đến nay. Ông không bao giờ từ chối đề nghị bố thí nào, không từ chối công việc phụng sự nào. Theo kinh điển Phật giáo, sau khi qua đời, ông được sinh vào cõi trời.

Đức Ông là vị hộ pháp được thờ trong các ngôi chùa.

Đối với phật tử, Cấp Cô Ðộc là người có công rất lớn trong sứ mệnh hoằng pháp và cải tiến xã hội thời đức Phật tại thế, với những cống hiến cả về đạo và đời. Về mặt đời, ông đóng góp tích cực và hữu hiệu công tác cải tiến xã hội việc lập các trung tâm dạy nghề, cứu đói, viện dưỡng lão, trại mồ côi, luôn chuẩn bị sẵn 500 khẩu phần ăn tại nhà cho những người xin ăn nghèo đói. Về mặt đạo, ông được coi là vị hộ pháp, là bậc thánh đã đắc Sơ quả Tu Ðà Hườn (Sotàpanno).

Vì có công lớn hộ trì chính pháp, lại trọn vẹn các hạnh từ, bi, hỉ, xả nên trưởng giả Cấp Cô Độc được thờ trong các ngôi chùa với tên gọi là Đức Ông hay Đức Chúa Ông. Ban Đức Ông luôn được đặt bên tay trái của ban Tam Bảo (tay phải là ban Thánh Hiền), chủ ý rằng người hoằng pháp là tu sĩ, còn hộ pháp là các cư sĩ tại gia. Khi vào lễ chính điện, mọi người thường vào từ cửa tay trái, tới ban Đức Ông lễ trước để bẩm báo vì ngài có công xây chùa, tạc tượng.

Huyền Vi

Tin mới