Các hoạt động chuẩn bị do Bộ Kinh tế Đức dẫn đầu, cho thấy tình trạng cảnh giác cao độ về nguồn cung cấp khí đốt đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Khí đốt của Nga chiếm 55% lượng nhập khẩu của Đức vào năm ngoái và Berlin đang phải chịu áp lực hủy bỏ mối quan hệ kinh doanh với Nga vì xung đột ở Ukraine.
Đức cho biết họ muốn tự cắt nguồn cung cấp từ Nga nhưng dự kiến sẽ phụ thuộc phần lớn vào Moskva về khí đốt cho đến giữa năm 2024.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters).
Hiện vẫn chưa rõ kịch bản dừng cung cấp khí đốt đột ngột này có xảy ra hay không. Các quan chức cho biết Đức muốn làm những điều như ủng hộ lệnh cấm vận khí đốt của châu Âu, ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Moskva về than và dầu. Nhưng họ cũng lo ngại Nga có thể đơn phương cắt đứt các dòng khí đốt và muốn có thể đối phó nếu điều đó xảy ra.
Không có nhiều chi tiết được tiết lộ xung quanh kế hoạch đối phó này, song theo 3 nguồn tin quan chức của Reuters, chính phủ Đức sẽ hỗ trợ cấp thêm các khoản vay và bảo lãnh cho các công ty năng lượng, giúp họ đối phó với tình trạng giá tăng cao. Berlin cũng có thể cố gắng nắm kiểm soát các công ty quan trọng, chẳng hạn như nhà máy lọc dầu.
Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Kinh tế Đức chỉ ra tuyên bố của người đứng đầu bộ, Phó Thủ tướng Robert Habeck, rằng nước này đã thực hiện "những nỗ lực mạnh mẽ" trong thời gian gần đây để giảm sử dụng năng lượng Nga.
Tháng trước, Berlin đã thông qua một thay đổi pháp lý cho phép họ nắm quyền kiểm soát các công ty năng lượng như một biện pháp cuối cùng. Hiện họ đang thảo luận về cách sử dụng biện pháp này trong thực tế, chẳng hạn như can thiệp vào nhà máy lọc dầu PCK do Rosneft của Nga vận hành ở Schwedt gần Ba Lan.
Rosneft từ chối bình luận về bất kỳ hành động nào có thể xảy ra của Đức.
Quốc hữu hóa năng lượng?
Một nguồn tin cho biết việc quốc hữu hóa các công ty năng lượng là lựa chọn đang được cân nhắc tại Đức, nhưng kế hoạch sẽ phải được xem xét cẩn thận và nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng hơn là trừng phạt Nga.
Hai nguồn tin khác nói Đức có thể nắm giữ cổ phần trong các công ty. Vào năm 2018, ngân hàng phát triển nhà nước Đức KfW mua 20% cổ phần từ nhà điều hành mạng năng lượng 50Hertz để chống lại lời đề nghị mua cổ phần từ State Grid của Trung Quốc.
Gói ứng phó khẩn cấp cuối cùng của chính phủ Đức hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Trong đó việc nắm cổ phần thiểu số trong các công ty và can thiệp vào nhà máy lọc dầu Schwedt vẫn đang được thảo luận, theo các nguồn tin.
Đức cũng đang nghiên cứu xem họ sẽ phân phối khí đốt như thế nào trong trường hợp khẩn cấp. Cơ quan quản lý đang xem xét liệu có nên ưu tiên sản xuất công nghiệp hơn các hộ gia đình hay không. Đây sẽ là sự đảo ngược chính sách hiện tại.
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Moskva và Brussels, vốn đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm cô lập Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các lực lượng vũ trang của mình tại cuộc duyệt binh rằng họ đang chiến đấu vì đất nước, nhưng không đưa ra tín hiệu về việc chiến dịch tại Ukraine sẽ kéo dài bao lâu.