"Quan điểm cả chúng tôi rất rõ ràng. Nếu một số quốc gia được miễn trừ, chúng tôi cũng muốn được miễn trừ. Nếu không, chúng tôi sẽ không ủng hộ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên tôi không mong đợi điều đó dựa trên các cuộc đàm phán vào lúc này", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Assen Vassilev hôm 8/5 cho hay.
EU vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên về lệnh cấm dầu Nga.
Hôm 6/5, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban châu Âu đã điều chỉnh đề xuất liên quan cấm vận dầu từ Nga cho phép một số nước có thêm thời gian để thích ứng.
Theo đó, Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu của Nga từ các đường ống dẫn cho tới cuối năm 2024, trong khi Cộng hòa Séc có thể tiếp tục hoạt động này tới tháng 6/2024.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Assen Vassilev. (Ảnh: Reuters)
Bulgaria muốn có quyền miễn trừ tương tự.
Neftochim Burgas - nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) là nhà cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria. Nhà máy này tinh chế khoảng 50% dầu thô của Nga và 50% dầu thô từ các nguồn cung khác.
“Về mặt công nghệ, nhà máy vẫn có thể hoạt động nếu không có dầu thô của Nga, nhưng điều đó sẽ dẫn đến việc tăng giá nhiên liệu lên cao đáng kể. Vì vậy, nếu Ủy ban châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng quyền miễn trừ đó cho lợi ích tốt nhất đối với người tiêu dùng Bulgaria, người vận chuyển hàng hóa và người dân Bulgaria nói chung”, ông Vassilev cho hay.
Trong một diễn biến liên quan, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hôm 8/5 cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và cung cấp thêm thời gian để đảm bảo các nguồn cung cấp thay thế.
Tuy nhiên, tuyên bố của các nước G7, gồm Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ không nêu rõ mỗi quốc gia sẽ tiến hành những cam kết gì để từ bỏ năng lượng của Nga.
Phương Tây đến nay thể hiện sự phối hợp chặt chẽ trong các thông báo về trừng phạt Nga, nhưng gặp khó khăn khi thống nhất các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Nga.
Mỹ cấm nhập khẩu dầu khí của Nga. Tuy nhiên, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào mặt hàng này.
Nguồn tin của Politico cho biết các cuộc đàm phán giữa 27 quốc gia trong khối hôm 8/5 đã không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Các quan chức châu Âu dự kiến sẽ soạn thảo một kế hoạch thỏa hiệp mới trước khi triệu tập một cuộc họp ngoại giao khác trong hôm nay hoặc ngày mai (10/5).