Ngày 24/9, tại TP Phan Rang- Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) tổ chức hội nghị Kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa khu vực Nam Trung Bộ - Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024.
Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tìm hiểu và trao đổi thông tin về sản phẩm.
Hội nghị là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sang thị trường các nước.
Chương trình thu hút 38 doanh nghiệp Hàn Quốc và 54 doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu vực Nam Trung Bộ gặp gỡ, trao đổi kết nối giao thương trực tiếp để liên kết đầu tư.
Doanh nghiệp 2 nước ký kết 18 bản giao ước hợp tác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết 18 bản thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hội nghị là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sang thị trường các nước.
Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu khai mạc Hội nghị
"Riêng Ninh Thuận với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, cùng với thời tiết nắng ấm quanh năm đã tạo cho tỉnh có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, muối, rong sụn, cừu, dê,… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 182 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên" - ông Hoàng nói.
TS. Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA), cho biết về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển, trong đó Hội nghị Xuất nhập khẩu - Thương mại Việt - Hàn được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận lần này tiếp tục mang đến những cơ hội thực hiện B2B, B2C, B2G… cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân 2 nước.
TS. Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phân tích các điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa 2 nước.
Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại 2 nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các loại chip, máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu hàng dệt may, các loại linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, giày dép, phụ tùng phương tiện vận tải, xơ, sợi dệt các loại…
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thích thú với đặc sản vùng Nam Trung Bộ.
Thống kê năm 2023 cho thấy, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt 85,8 tỷ USD với 9.863 dự án, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).