Kết thúc chuyến công tác tại Sài Gòn, đón chuyến xe sớm từ Bến xe miền Tây, chúng tôi đến Sa Đéc khi nắng vừa lên chưa kịp gắt. Sau giấc ngủ chập chờn, thưởng thức tô hủ tiếu Nam Vang trứ danh, nhấp ly cà phê đặc sánh dưới lớp đá dầy đặc trưng Tây Nam bộ, mọi giác quan như được đánh thức trở lại, chúng tôi lên đường làm quen và kết thân với vùng bưng biền lớn nhất Việt Nam.
Cả nhóm bắt đầu với chùa Ông và chùa Bà trong Thành phố Sa Đéc – Thủ phủ tỉnh Đồng Tháp
Kiến An Cung (chùa ông Quách) có niên đại trên trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo, lộng lẫy, đậm nét văn hóa Trung Hoa
Chùa Bà: chùa có tên đầy đủ là Thất Phủ Thiên Hậu Cung, hay còn được gọi là Thiên Hậu Miếu. Chùa có lối kiến trúc đẹp đẽ, nhiều mầu sắc mang đậm phong cách văn hóa Trung Hoa truyền thống, xứng đáng là một cặp “chùa Ông chùa Bà” duy nhất tọa lạc giữa trung tâm Sa Đéc.
Chùa Bà còn được gọi là Thiên Hậu Miếu.
Nét độc đáo nhất trong chùa Bà là những cây hương vòng to như chiếc nón có tờ sớ được cài ở giữa. Khi thắp lên, tâm nguyện của người thắp như nhờ khói hương đem lời khấn nguyện bay xa lên cõi Niết Bàn.
Hương vòng khổng lồ trong chùa Bà.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc bên bờ sông Tiền thơ mộng. Ngôi nhà được xếp hạng Di tích Quốc gia này nổi tiếng bởi câu chuyện tình được nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras ghi lại trong cuốn tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant) đã được đạo diễn Jean - Jacques Annaud dựng thành phim. Mối tình xuyên biên giới Pháp – Trung với Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính khiến Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng là nơi duy nhất trên đất Việt Nam có bối cảnh và là nơi xuất xứ của cuốn Tiểu thuyết và bộ phim nước ngoài danh tiếng.
Chủ ngôi nhà cổ là điền chủ gốc Hoa nên chính giữa nhà là tượng Quan đế, cửa khảm trai tinh xảo với lối kiến trúc Trung Hoa xa hoa và cầu kỳ.
Gần trưa, nắng miền Tây đã lên rực rỡ nhưng không gắt gỏng, chúng tôi vẫy xe ôm vừa đi vừa thưởng thức những cơn gió lồng lộng khoáng đạt của Đồng bằng sông Cửu Long. Trên đường đi, bất chợt nhìn thấy những lò gạch cổ bên dòng Sa Giang (ven Quốc lộ 80) được xây rất đẹp đẽ và cầu kỳ. Dừng xe, ngắm nhìn khung cảnh vừa lạ lùng, vừa độc đáo làm cả nhóm ai cũng trầm trồ.
Lò gạch Sa Đéc
Sen Đồng Tháp vốn dĩ đã nổi tiếng khắp Đất nước với sen trắng, sen hồng nở từ rất sớm. Lúc chúng tôi đến Đồng Tháp mới là đầu tháng 4, nhưng những đầm sen bạt ngàn đã mang nhiều phần rực rỡ. Ngoài hoa đẹp, hương thơm, sen Đồng Tháp còn cho ra bao nhiêu sản vật quý như tâm sen (là một vị thuốc bổ), hạt sen tươi/khô, tơ sen, sữa sen, ngó sen…
Tuy nhiên, độc đáo và duy nhất phải nói đến chùa Lá Sen (chùa Phước Kiểng, thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) với kiến trúc cổ kính, khung cảnh đẹp mắt và sau vườn chùa sở hữu cây sen có kích thước khổng lồ.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng những lá sen với đường kính từ 1.5m - 2m. Những lá sen khổng lồ này tương truyền có giống từ tận vùng rừng Amazon (Brazil), có chiếc lá to dày vững chãi có thể cõng trên đó người hoặc vật nặng tới 70kg. Với một tấm phủ tránh cho lá khỏi vỡ, bạn có thể đứng trên lá sen để chụp ảnh và trải nghiệm cảm giác thú vị có một không hai này.
Làng hoa Sa Đéc khởi nguyên là Làng hoa Tân Quy Đông, một làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi nằm bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng. Làng hoa Sa Đéc được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây, nếu đến đây vào dịp giáp Tết, chắc chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục với muôn vàn loài hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm như đã từng thấy trên TV, ảnh lịch…
Thời điểm đầu Hè không phải là vụ chính nên “đi cho biết”, nhưng Làng hoa cũng không kém phần lộng lẫy, tràn căng cức sống của hạt mới nảy mầm, cây đang ươm, hoa đang nụ…
Dời Sa Đéc, chúng tôi đón xe khách đến bến phà Cao Lãnh, từ huyện Lấp Vò qua sông Tiền đi vào Thành phố Cao Lãnh. Cầu Cao Lãnh mới thông xe, bến phà này vừa chấm dứt hoạt động từ 0h ngày 24/8/2020.
Đến Cao Lãnh khi trời đã ngả chiều, nhận phòng khách sạn xong, cả nhóm tập trung lại đi thăm khu di tích với phần mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Khu mộ được thiết kế, xây dựng trang trọng, xung quanh rợp bóng cổ thụ với nhiều cây được gắn biển “cây di sản”.
Khu vực mộ cụ Phó bảng
Bữa tối, chúng tôi ghé một quán ăn đặc trưng Tây Nam bộ: lối vào lát gỗ băng qua cánh đồng lúa, xung quanh là hồ sen bát ngát đưa hương dìu dịu, nhà hàng là dãy chòi nối tiếp nhau với mái lợp rơm nếp, ánh trăng mùa Hạ dần lên cao phủ tràn không gian với tiếng cá quẫy, tiếng ếch nhái ễnh ương kêu ộp oạp xa xa tạo nên một không gian an bình mang hơi hướm liêu trai, thơ thới đến nhẹ bẫng cả người.
“Đến Đồng Tháp là phải ăn thịt chuột”, ban đầu nghe anh bạn thổ dân miền Tây Nam bộ nói mà chúng tôi tưởng trêu đùa. Nhưng menu nhà hàng đúng là có vài món làm từ… chuột. Cô Lễ tân đón khách ghi món trấn an chúng tôi là chuột ở đây được gọi là “sóc tràm”, chúng chỉ ăn lúa và hoa tràm, mầm cây tràm nên rất lành và bổ. Hơn nữa, Nhà hàng cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận đảm bảo độ an toàn về vệ sinh thực phẩm.
Quán nổi miền Tây.
Vậy nên, ngoài những món đặc trưng Tây Nam bộ, chúng tôi mạnh dạn gọi thêm đĩa chuột nướng lu. Ai cũng tò mò nên khi Tiếp viên bưng lên ai cũng háo hức, ngắm nghía và cùng nhau nếm thử: thơm ngon, hấp dẫn, mùi vị như những loài gặm nhấm khác mà chúng tôi đã có dịp thử qua: thỏ, sóc, dúi… Cả nhóm ai cũng phấn khởi khi lần đầu tiên được thưởng thức món đặc sản “hơi kinh dị” mà cũng rất đặc trưng này.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy sớm thuê xe máy để bắt đầu cuộc hành trình xuống địa điểm được chờ đợi nhất: Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp. Cả nhóm nai nịt gọn ghẽ, chuẩn bị cho hành trình gần 80km (cả 2 chiều đi về) dưới trời nắng đẹp.
Trên đường đi, thi thoảng bắt gặp những sân phơi ớt chín, đỏ au mang hương vị khá đặc biệt. Đặc biệt, thời điểm đó đang là mùa hoa Ô-môi nở rộ, loài hoa đặc trưng của miền sông nước này được mệnh danh là “hoa Anh đào Tây Nam bộ” nở từng tán, từng chùm khoe mầu hồng tươi đẹp rực rỡ khiến cả nhóm chúng tôi ồ lên thích thú, thi nhau ngắm nghía, bấm máy lia lịa.
Hoa Ô-môi.
Đã suốt mấy ngày rong ruổi miền sông nước, nhưng khi đi xuồng máy (tắc ráng) vào Tràm Chim, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bị ngợp. Ngợp vì tầm vóc của khu Ramsar (đất ngập nước) lớn thứ 4 Việt Nam, ngợp vì thảm thực vật ken dày, phong phú của vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng”.
Cảm giác bị ngợp trong mới lạ, sướng khoái khi len lỏi dọc theo những dòng kênh xanh mát, ngắm nhìn các loài chim đủ kích cỡ màu sắc dáng vẻ bay lượn tìm mồi. Tắc ráng dành cho khách du lịch đi một lối riêng, thường phóng ào ào nên chim rất ít khi kéo bầy qua lối đó, thảng hoặc có vài đàn thì chúng rất cảnh giác và thính nhạy, chỉ cần thấy du khách giơ máy ảnh lên là lủi mất, bay đi.
Ban ngày, khi chim tản đi tìm mồi, nếu có leo lên đài quan sát giữa Tràm Chim cũng chỉ ngắm được cây lá kênh rạch Trời nước mênh mông của vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng khi hoàng hôn xuống, từng đàn chim về tổ bay rợp Trời, cất tiếng gọi bầy huyên náo cả không gian.
Chim nước ở đây gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ, trong đó 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam trên vùng đất nằm trong địa phận của 7 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim.
Kết thúc chuyến đi bằng bữa nhậu bập bềnh trên chiếc xuồng máy giữa Tràm Chim, với trạch chấu nướng, ốc luộc chấm mắm ớt, lẩu cá linh, bông điên điển xào tôm tươi bóc vỏ... Có cả hạt sen tươi ngọt mát bùi bùi đăng đắng tâm sen.
Rượu đế miền Tây cay nồng uống mềm môi dưới mênh mang Trời lồng lộng gió ăm ắp nước dập dềnh sen trắng sen hồng súng tím cỏ xanh, thi thoảng có chú chim thò chiếc cổ dài ra khỏi bụi cây ngó nghiêng xong bay vụt lên.
Lưu luyến dời đi và hẹn một ngày trở lại Đồng Tháp để khám phá thêm nhiều điều kỳ thú, độc đáo và duy nhất chỉ có ở nơi này.