Liên quan đến "lùm xùm" của Công ty Cổ phần Leflair sau đóng cửa, ngày 10/3, gần 100 nhà cung cấp có mặt tại văn phòng của công ty (tầng 16, tháp A2, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) để làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này về vấn đề công nợ.
Tại đây, ông Loic Erwan Kevin Gautier - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Leflair thừa nhận, tới thời điểm hiện tại không còn nhà đầu tư nào hứng thú với Leflair, khi nhà đầu tư cũ đã thua lỗ 12 triệu USD.
Đồng thời, ông Loic cũng xác nhận đã ngừng tất cả hoạt động kinh doanh ở các thị trường khác.
Ông Loic Erwan Kevin Gautier - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Leflair thừa nhận, tới thời điểm hiện tại không còn nhà đầu tư nào hứng thú với Leflair.
"Chúng tôi sẽ thanh lý toàn bộ tài sản để trả lại tiền cho các nhà cung cấp, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sau đó, có thể chúng tôi sẽ đi tới bước nộp đơn xin phá sản", ông Loic nói.
Trước thông tin của đại diện Leflair, hầu hết các nhà cung cấp đều tỏ thái độ phẫn nộ và cho rẳng cần có sự can thiệp cấp bách của cơ quan chức năng.
"Có phá sản thì công an cũng vẫn vào cuộc được, vì số tiền mặt thu được từ 11/2019 - 1/2020 rất lớn. Để tuyên bố phá sản, Leflair phải có giải trình đầu ra, đầu vào, thể hiện là lỗ và lỗ ở mức nào chứ không phải nói một câu là hết trách nhiệm được. Do đó, dù có không đòi được tiền cũng phải làm rõ ràng mọi vấn đề", chị K. (một nhà cung cấp của Leflair) bức xúc.
Như VTC News đưa tin, đầu tháng 2/2020, website chuyên bán hàng hiệu Leflair đột ngột thông báo đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đơn vị này giải thích lý do tạm ngừng kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
"Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận", thông báo của Leflair viết.
Gần 100 nhà cung cấp có mặt tại văn phòng của công ty (tầng 16, tháp A2, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) để làm việc với lãnh đạo Leflair về vấn đề công nợ.
Sự việc Leflair đột ngột đóng cửa khiến nhiều nhà cung cấp và nhân viên bán hàng bất ngờ do chưa được thanh toán các khoản lương, thưởng trước đó. Đáng nói, hiện nhiều khách hàng đang điêu đứng vì bị đơn vị này "bùng" hàng, tiền.
Trên trang facebook của Leflair, nhiều khách hàng trót chuyển tiền cho đơn vị này hiện đứng ngồi không yên vì hàng không được giao, tiền cũng không thể lấy lại. Đáng nói, hiện số công nợ Leflair chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD. Trớ trêu, tiền mặt còn lại trong tài khoản của công ty chưa nổi 50.000 USD.
Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, sàn chuyên bán các loại hàng hiệu từ mỹ phẩm đến thời trang, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hiệu cao cấp chính hãng từ các thương hiệu hàng đầu thế giới với mức giá hấp dẫn.
Trong thông báo gửi đến nhà cung cấp, Leflair cho biết trong 4 năm tồn tại, sàn thương mại điện tử chuyên hàng hiệu đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu mỗi năm ước tính hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách được đánh giá cao nhất trên thị trường.
Năm ngoái, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.
Một phần tiền gọi vốn được ban điều hành tập trung trả nợ, phần còn lại đầu tư cho hệ thống vận hành.