Theo The Guardian, hai tháng từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu, Nga tăng gần gấp đôi doanh thu bán nhiên liệu hóa thạch cho EU.
Cụ thể, Moskva có khoảng 65,2 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng sau xung đột. Con số cho thấy Nga tiếp tục hưởng lợi từ việc nắm phần lớn nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, dù các chính phủ phương Tây cố gắng ngăn Moskva sử dụng dầu và khí đốt như vũ khí kinh tế.
Nga gấp đôi doanh thu dầu khí sau khi chiến sự bắt đầu. (Ảnh minh họa)
Theo các nhà phân tích, dù lượng xuất khẩu từ Nga bị giảm do cuộc chiến và các lệnh trừng phạt, vị thế “thống trị” nguồn khí đốt của nước này khiến cho việc càng cắt giảm nguồn cung, giá nhiên liệu càng bị đẩy lên cao. Cộng thêm việc giá các mặt hàng này vốn đã cao do thiếu nguồn cung toàn cầu và kinh tế thế giới đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, tất cả khiến doanh thu tăng lên.
Ở điểm này, Nga đã khiến các lệnh trừng phạt và hạn chế càng thắt chặt sẽ càng đẩy giá tăng hơn nữa. Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) cho rằng: “Tiếp tục nhập khẩu năng lượng là lỗ hổng lớn trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga".
Trong những ngày gần đây, Nga cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho Ba Lan và Bulgari, động thái khiến một số bên phẫn nộ. Louis J Wilson, cố vấn cấp cao của nhóm vận động Global Witness, cho rằng việc Nga sẵn sàng vi phạm các hợp đồng có nghĩa là các doanh nghiệp không có lý do gì để tiếp tục giao dịch với nước này.
Dữ liệu của CREA hiện cho thấy nhiều công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục hoạt động thương mại khối lượng lớn với Nga, bao gồm BP, Shell và ExxonMobil.
Đức là nhà nhập khẩu nhiên liệu Nga lớn nhất trong hai tháng qua, mặc dù Berlin nhiều lần tuyên bố cần ưu tiên hạn chế phụ thuộc vào dầu Nga. Nước này đã trả khoảng 9 tỷ euro (9,4 tỷ USD) trong thời gian này, trong khi đó Italia và Hà Lan trả lần lượt khoảng 6,8 tỷ euro (7,1 tỷ USD) và 5,6 tỷ euro (5,9 tỷ USD).
Người phát ngôn của Shell nói công ty đã "hành động quyết đoán" trước cuộc chiến của Nga tại Ukraine. “Chúng tôi đã thông báo ý định rút khỏi các liên doanh với Gazprom và các tổ chức liên quan, loại bỏ dần tất cả các hydrocacbon của Nga, với sự tham vấn của các chính phủ. Từ khi công bố ý định này, chúng tôi đã ngừng tất cả các giao dịch mua dầu thô, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế được xuất khẩu trực tiếp từ Nga”.
Người phát ngôn của Exxon cho biết: “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm chấm dứt cuộc tấn công vô cớ của Nga và chúng tôi đang tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt". Công ty nói "không thực hiện bất kỳ hợp đồng mới nào đối với các sản phẩm Nga", không tiếp tục giao hàng và "không đầu tư vào những phát triển mới ở Nga”.