Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp than thở đang làm khán giả trong phục hồi kinh tế

"Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế".

Phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh tinh thần doanh nhân Việt Nam rất lớn lao trong cơn đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, xông pha trên nhiều mặt trận để hỗ trợ thành phố trong dịch bệnh.

Trong cuộc gặp mặt này, Chủ tịch nước mong muốn nghe những đề xuất, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Gói hỗ trợ vốn như "oxy" cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đưa ra một số kiến nghị với Chủ tịch nước.

Về di chuyển và vận chuyển, ông nhấn mạnh đây là ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp. Dù Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có nhiều quyết sách hàn gắn đứt gãy này, hội đề xuất Bộ GTVT nên tham mưu ý kiến các địa phương trước khi ra quyết sách để tránh tình trạng các tỉnh làm theo quan điểm riêng, gây phát sinh nhiều vấn đề.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân TP.HCM sáng 12/10. (Ảnh: Chí Hùng)

Ông Hồng Anh cũng cho biết gói hỗ trợ vốn hiện như "oxy cho doanh nghiệp". Chủ tịch hội gợi ý sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm mà Quốc hội đã phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, dự án 1-2 năm nữa mới triển khai thì có thể sử dụng trước khoản này. Bên cạnh đó, chính quyền có thể lấy một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Hồng Anh cho rằng nhiều hội viên chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp gặp khó với yêu cầu chứng minh nguồn thu nhập và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, ông đề nghị xem các thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng và ban hành chính sách chung cho doanh nghiệp giãn nợ 6-12 tháng đi kèm một số điều kiện.

Như vậy, thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn, Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương cũng nên có hotline để doanh nghiệp liên hệ khi cần hỗ trợ.

Ông Hồng Anh cũng kiến nghị chính quyền truyền thông mạnh và nhiều kênh hơn để hỗ trợ người lao động, đưa người lao động về thành phố để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về vaccine, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam mong Chính phủ tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cao, ví dụ 19 tỉnh, thành phía nam và các tỉnh, thành phát triển du lịch. Như vậy, các tỉnh có thể nhanh chóng bổ sung nguồn lực cho TP.HCM khi cần.

Doanh nghiệp đang dự bị trong phục hồi kinh tế

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng làn sóng dịch vừa qua là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. Đánh giá cao nỗ lực chưa từng có của hệ thống; tuy nhiên, ông cho rằng tư duy xin - cho, sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện trong quá trình ra quyết sách.

Tuy nói doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, ông cho rằng "tế bào" này chưa được hoạt động và tận dụng đúng mức.

"Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Nếu không tận dụng nguồn lực này trong quá trình xây dựng quyết sách sẽ là lãng phí lớn", ông nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp. (Ảnh: Chí Hùng)

Thêm vào đó, ông cho rằng chính sách chống dịch và phục hồi phải nhất quán cấp quốc gia vì không gian phát triển của doanh nghiệp luôn hướng tới cấp quốc gia và toàn cầu. Doanh nghiệp đang như lò xo nén lại lâu nên đây là thời điểm phù hợp để lò xo này đồng loạt bật cao hơn trước.

Muốn doanh nghiệp bật lên xa thì phải nhanh chóng tháo gỡ rào cản; do đó, ông Trường kiến nghị nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ, thay bằng chính sách "luật không cấm thì được làm". Chính quyền cần để doanh nghiệp tham gia đóng góp chính thức, trực tiếp trong xây dựng chiến lược, khôi phục và phát triển kinh tế. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của doanh nhân.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) tại trụ sở Chính phủ. Tại buổi gặp, Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ lắng nghe nhiều nguyện vọng của cộng đồng, doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định sẽ chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Nguồn: Zing News

Tin mới