Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ, Ninh Thuận do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư.
Tương lai hứa hẹn của năng lượng tái tạo bị đe dọa khi hàng tỷ kWh điện mặt trời bị cắt giảm gây lãng phí nguồn lực, khiến nhà đầu tư lao đao.
Kêu cứu
Hiện nay, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có những nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, thậm chí có nhiều nhà máy buộc phải giảm đến 50%-60%.
Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ, Ninh Thuận do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư phải cắt giảm 30% lên đến 50-60% công suất.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành cho biết, từ ngày làm dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và hòa lưới điện quốc gia, công ty và chính bản thân ông chưa bao giờ nghĩ có tình trạng như ngày hôm nay. "Công suất 2 dự án diện mặt trời của chúng tôi hơn 100MW, nhưng từ ngày hòa lưới điện đến nay đều bị cắt giảm, có thời điểm bị cắt giảm 30% lên đến 50-60% công suất", ông Trường nói.
Theo ông, thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất của nhà máy là vô cùng lớn, bởi nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như phải trả lãi và gốc cho ngân hàng.
"Các nhà máy điện mặt trời hiện nay của công ty chúng tôi thậm chí phải lấy tiền từ các dự án khác bù vào để trả cho ngân hàng. Điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch về nguồn vốn và các dự án tiếp theo của công ty", ông Trường bày tỏ.
Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành cho biết, việc bị cắt giảm công suất gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Vị giám đốc chi nhánh này cũng cho biết, thời điểm vào năm 2017-2018, khi công ty kí hợp đồng mua bán điện thì trong hợp đồng không có điều khoản nào liên quan đến việc phải bị cắt giảm công suất. Nhưng hiện nay vì sự an toàn chung của hệ thống truyền tải điện, công ty ông vẫn phải chấp nhận việc bị cắt giảm.
Ông cho rằng, công ty mình đã thực hiện đầy đủ các bước theo chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, ngoài ra công ty cũng đã bỏ rất nhiều tiền để đầu tư dự án nhưng với tình hình như hiện tại thì rất khó khăn.
Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành than thở, không biết sẽ cố gắng hoạt động cầm chừng được đến khi nào, việc cắt giảm không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người lao động công ty.
"Chúng tôi mong tỉnh Ninh Thuận tiếp tục kiến nghị với Bộ Công thương, Chính phủ để giải tỏa hết công suất của các dự án điện mặt trời. Nếu không thời gian tới hoạt động của công ty sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, việc huy động nguồn vốn cực kỳ khó khăn", ông Trường chia sẻ.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp điện mặt trời cho biết đang “ngồi trên đống lửa” khi mỗi ngày nhà máy đều bị cắt giảm công suất phát lên lưới, tùy theo các khung giờ, thậm chí có ngày tỷ lệ cắt giảm lên đến cả 100%.
Đại diện một nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận cho hay doanh nghiệp cũng đang phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng. Vị này cho biết, nếu tình hình cứ kéo dài, doanh nghiệp của ông sẽ phá sản.
Lúc đầu là giảm 30%, rồi đến 50%-60%, có ngày 100% công suất, doanh nghiệp sống sao đây, lãnh đạo một nhà máy điện mặt trời đặt câu hỏi?
Kiến nghị đến Quốc hội
Bị cắt giảm công suất, mới đây, trong thư gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trung Nam Group cho biết, hiện doanh nghiệp có 3 nhà máy năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận gồm, Nhà máy điện gió Trung Nam 151,95 MW, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam 204 MW và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.
Trong số này, Nhà máy điện gió Trung Nam 151,95 MW hiện đã được hoàn thành và đi vào vận hành toàn bộ giai đoạn 1 và 2 cùng 8/12 trụ gió của giai đoạn 3, với tổng công suất là 135,95 MW.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.
Theo Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW (tại Ninh Thuận) thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.
Đối với dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, phía doanh nghiệp cho rằng, đây là dự án đầu tư có điều kiện, yêu cầu nhà đầu tư bàn giao hạ tầng lưới điện truyền tải sau khi hoàn thành. Hiện tại, hệ thống trạm biến áp, 500 kV cùng đường dây 500 kV, 220 kV do Trung Nam Group tự bỏ kinh phí đầu tư đang thực hiện truyền tải hộ và giải toả công suất khoảng 900 MW cho khoảng 16 dự án điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực.
Theo Trung Nam Group, bản thân Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam hoạt động không gây ra quá tải lưới điện. Khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư đã xem xét, cân đối hiệu quả giữa chi phí đầu tư trạm biến áp, đường dây và hoạt động của 450 MW điện mặt trời..
Hiện Trung Nam Group cũng đang tiếp tục bỏ kinh phí để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống truyền tải, thay mặt EVN/EVNNPT thực hiện giải toả công suất, mang lại lợi ích chung cho các nhà đầu tư khác trong khu vực.
"Trung Nam Group đã có những đóng góp không nhỏ cho hệ thống tuyền tải, thế nhưng việc cắt giảm công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam không phân biệt với các dự án khác hiện đang sử dụng chung đường truyền tải do doanh nghiệp đầu tư là thiếu công bằng và hợp lý", Trung Nam Group cho biết.
Một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận.
Dẫn chứng cho việc cắt giảm này, Trung Nam Group cũng cho hay, có thời điểm ngày 31/1/2021, nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam chỉ phát điện 208 MW/450 MW, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam chỉ phát điện 86 MW/204 MW, Nhà máy điện gió Trung Nam chỉ phát điện 60 MW/135,95 MW.
"Để hoàn thành các dự án điện năng lượng tái tạo như trên, có sự đồng hành của các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Với các khoản vay này, nhà đầu tư sẽ hoàn trả từ nguồn duy nhất là doanh thu bán điện của các nhà máy. Tuy nhiên, việc thường xuyên cắt giảm công suất như trên đã khiến doanh nghiệp gặp áp lực nhất định và khó khăn", Trung Nam Group cho hay.
Trung Nam Group đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, ủng hộ, có ý kiến tới Thủ tướng, Bộ Công thương về việc ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất của 3 dự án nói trên, đồng thời khi tính toán, phân bổ công suất điện của các nhà máy, cần rà soát, phân nhóm các nhà máy được bổ sung quy hoạch có điều kiện “cần phải đồng bộ về phát triển lưới điện hiện hữu nhằm tránh gây quá tải lưới điện khu vực” vào nhóm các nhà máy cần phải giảm phát công suất phát điện trong các thời điểm lưới quá tải và thừa nguồn.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho rằng, hiện nay hệ thống truyền tải điện tại Ninh Thuận cơ bản đáp ứng. Hầu hết các nhà máy điện mặt trời đều vận hành hết công suất, nhưng có thời điểm phải cắt giảm, tùy theo phụ tải. Nguyên nhân được ông Rớt cho biết là do tình hình dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi và một số vấn đề khác khiến nhu cầu sử dụng điện bị giảm xuống. "Khi nhu cầu giảm xuống thì vấn đề điện phát điện lên bị thừa, hạn chế trong việc tiêu thụ, tập trung vào các giờ cao điểm, ví dụ như khoảng thời gian 11h đến 13h30 phát nhiều mà phụ tải thấp nên ảnh hưởng đến vấn đề truyền tải, do đó phải điều độ, cân bằng lại cho hệ thống lưới điện đảm bảo ổn định", ông Rớt nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng dự án điện mặt trời mái nhà gia tăng, nhu cầu tiêu thụ điện giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19... đa số doanh nghiệp điện mặt trời lo các nhà máy sẽ tiếp tục bị cắt giảm nhiều hơn nữa, khi đó áp lực tài chính sẽ đè nặng doanh nghiệp. Bởi rõ ràng, cho đến hiện nay, các giải pháp giải quyết cho việc này vẫn đi lòng vòng, và các nhà máy điện mặt trời chắc chắn vẫn phải tiếp tục... cắt giảm công suất.
Với đặc thù khí hậu nắng nóng kéo dài quanh năm, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư phát triển năng lượng sạch của cả nước. Tỉnh này cũng đang tiến hành các bước nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ - CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 dự án điện mặt trời đang vận hành với tổng công suất hơn 2.000 MW; 3 dự điện gió, công suất 229 MW. Hiện có 5 dự án điện mặt trời đang triển khai dự kiến trong năm 2021 sẽ đi vào hoạt động. Những doanh nghiệp này đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo, tuy nhiên hiện nay các nhà máy không thể chạy hết công suất, không bán được điện khiến cho doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.