Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trong cơn lốc điện mặt trời: Ra ngõ đụng tấm pin mặt trời

Điện mặt trời áp mái nhà (điện MTAMN) như cơn lốc tràn qua khắp các vùng nông nghiệp, nông thôn Nam Trung bộ và Tây Nguyên, chiếm đất sản xuất và gây nhiều hệ lụy...

Đầu năm 2020, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, gần như ngay lập tức, các nhà đầu tư khắp cả nước, như nằm chờ sẵn, chui lên từ đất lên, đồng loạt xuất hiện ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, biến nhiều diện tích đất chăn nuôi, trồng trọt, trang trại, thủy sản, thủy lợi, nông thôn… thành những dự án điện mặt trời và bằng mọi giá hoàn thành công trình, thực hiện mua bán điện với giá cực kỳ ưu đãi của Chính phủ mang lại hiệu quả, lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Nhưng đổi lại các dự án điện mặt trời cũng tàn phá khủng khiếp các vùng sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Hệ thống Điện mặt trời áp mái nhà trải dài hàng cây số tại huyện Chư Prông, Gia Lai.

Trước đây, việc phát triển Điện mặt trời áp mái nhà ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên mang tính nhỏ giọt. Tuy nhiên, từ khi có Quyết định 13 của Thủ tướng thì hệ thống này đang bùng nổ.

Bước ra ngõ... có điện mặt trời

Tại Gia Lai, đến bất cứ nơi đâu, chỗ nào, người ta cũng bàn tán câu chuyện đầu tư điện mặt trời áp mái nhà, về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận khủng khiếp mà hệ thống này mang lại.

Nếu như trước đây, điện mặt trời chủ yếu tập trung ở khu vực huyện Krông Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa, thì nay hệ thống Điện mặt trời áp mái nhà đã “phủ sóng” gần như toàn tỉnh Gia Lai.

Tại xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, những năm trước, nơi đây được bao quanh bởi bạt ngàn vườn tiêu, cà phê. Hiện tại, những vườn tiêu, cà phê đã bị chặt phá để nhường chỗ cho hàng chục hệ thống điện mặt trời áp mái nhà. Chỉ hơn 1 năm, huyện Chư Prông đón nhận hơn 50 dự án điện mặt trời áp mái nhà, điều đó đã tạo nên “cơn sốt” cho các nhà đầu tư cũng như người dân có đất để bán.

Điện mặt trời áp mái nhà đang tạo nên cơn sốt tại Tây Nguyên.

Nói đến “cơn sốt” Điện mặt trời áp mái nhà tại Gia Lai không thể bỏ qua huyện Chư Sê, trong đó chỉ riêng xã Hbông đã có hơn 10 hệ thống. Nhìn từ trên cao, những tấm pin năng lượng lấp lánh chiếm toàn bộ khoảng không gian rộng lớn tại xã Hbông, nơi trước đó thuộc về những ruộng trồng mía và cây công nghiệp ngắn ngày.

Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Gia Lai, toàn tỉnh có 3.248 hệ thống điện năng lượng mặt trời, tổng công suất 604 MWp. Trong đó có khoảng 400 hệ thống điện mặt trời áp mái (công suất <1MWp) trên công trình công nghiệp, trang trại, nông nghiệp công nghệ cao với tổng công suất trên 400 MWp.

Cũng phát triển “chóng mặt” về điện mặt trời, tỉnh Đăk Lăk tính đến thời điểm này đã có hơn 5.000 hệ thống đấu nối với tổng công suất lắp đặt dự kiến 626,84 MWp. Trong đó, hệ thống điện mặt trời áp mái có 327 dự án với tổng công suất lắp đặt là 325,5 MWp. Hệ thống Điện mặt trời áp mái nhà tập trung tại các huyện Buôn Đôn (29), Cư Kuin (20), TP. Buôn Ma Thuột (12)...

Còn theo Công ty điện lực tỉnh Đăk Nông, đơn vị này đã đấu nối cho 1.632 hệ thống Điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 377 MWp. Trong đó, dự án Điện mặt trời áp mái nhà trên trang trại là gần 400 hệ thống, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư Jút 80 dự án, Krông Nô 28 dự án, Đắk Mil 90 dự án...

Xuôi về vùng Duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận với điều kiện khí hậu đặc thù nhiều nắng, gió rất thuận lợi để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.

Trên cơ sở xác định tiềm năng và lợi thế, tỉnh Ninh Thuận đã lập quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng và lắp đặt khoảng 8.448 MWp. Trong đó giai đoạn đến năm 2020 phát triển 2.417 MWp (các dự án đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch); giai đoạn đến năm 2025 phát triển khoảng 2.618 MWp và giai đoạn đến năm 2030 phát triển khoảng 3.413 MWp.

Theo Sở Công thương Ninh Thuận, tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 37 dự án điện năng lượng mặt trời (mặt đất, mặt nước) với tổng công suất quyết định đầu tư 2.543 MWp. Trong đó 34 dự đã đưa vào khai thác vận hành với tổng công suất 2.260 MWp. Ngoài ra có khoảng 50 dự khác đang chờ phê duyệt.

Đối với các dự án Điện mặt trời áp mái nhà,  toàn tỉnh có 3.656 công trình với tổng công suất gần 290MWp. Các hệ thống được Công ty điện lực Ninh Thuận đánh giá có tốc độ phát triển nhanh để kịp đưa vào sản xuất và ký kết hợp động bán điện vào năm 2020.

Kẻ cười, người khóc

Thực hiện chủ trương khuyến khích của Thủ tướng theo Quyết định 13, điện MTAMN trong thời gian vừa qua ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên ta phát triển khá mạnh, giải tỏa được công suất điện ngay tại chỗ, góp phần cung ứng nguồn điện của quốc gia.

Những trang trại điện MTAMN bao trọn cả quả đồi.

Riêng tỉnh Gia Lai, tính từ cuối năm 2019, điện mặt trời áp mái đã phát triển với hơn 600 MWp, gấp đôi lượng điện mà Thuỷ điện Ialy phải mất 10 năm xây dựng.

Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh điện mặt trời áp mái trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng nguy cơ dư thừa nguồn điện. Chính điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư dở khóc, dở cười khi bị cắt điện luân phiên, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập.

Đề cập vấn đề này, ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai thừa nhận, việc phát triển nhanh điện MTAMN trong thời gian qua đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ.

Cùng với đó,do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp dẫn đến hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia. Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.

Đến thời điểm hiện tại, lượng điện trên địa bàn tỉnh vẫn dư thừa nhưng số lượng nhỏ và chúng tôi vẫn đang thực hiện cắt giảm luân phiên đối với các hệ thống điện MTAMN”, ông Quý cho biết.

Đi đến bất cứ vùng đất nào cũng xuất hiện điện MTAMN.

Còn ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty điện lực Ninh Thuận cho rằng, Đối với các dự án mặt trời áp mái tại Ninh Thuận, đến nay đã đủ tải và nếu tiếp tục đầu tư sẽ dẫn đến quá tải.

Theo ông Hưng, trong lưới điện Việt Nam, tất cả các nguồn được đấu nối từ thấp tới cao và cuối cùng hòa chung. Tuy nhiên theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì trong thời điểm này tất cả các nguồn đều dư, trong đó tỷ trọng điện mặt trời rất cao.

Những hệ thống điện MTAMN được xây dựng trên những quả đồi.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho rằng, việc phát triển ồ ạt điện MTAMN trong thời gian qua đã xảy ra một số bất cập. Không biết có phải do Công ty Điện lực chịu nhiều áp lực phải đấu nối điện hay không mà đã xảy ra tình trạng thừa điện buộc phải tiết giảm. Trong trời gian tới, yêu cầu Công ty Điện lực Gia Lai gửi lịch trình tiết giảm điện và được thực hiện công khai minh bạch.

Hơn 1 năm trước khi Bộ Công Thương chưa có Thông tư 18 hướng dẫn, chúng tôi đã có văn bản gửi Công ty Điện lực Gia Lai, UBND các huyện cảnh báo về việc đảm bảo đấu nối điện, phải có hợp đồng, khi thiết kế hệ thống cần đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng khuyến cáo các ngân hàng xét duyệt việc cho vay để tránh các rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Binh chia sẻ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý thông tin báo chí phản ánh ý kiến chuyên gia về phát triển điện mặt trời tăng trưởng đột ngột và quá nóng trong năm 2020.

Ngày 17/2, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách; kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.

Theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng, các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 thì được thu mua với giá: Điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp

Tin mới