Chủ động giảm giá, “free ship”
Bình Dương được xem là "thủ phủ công nghiệp" của cả nước khi là địa phương đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (chỉ sau TP.HCM). Tỉnh hiện có hơn 4.000 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD. Thế nhưng, thời gian gần đây, trong tình hình kinh tế chung của thế giới, Bình Dương đang đối mặt với "cơn khát" đơn hàng xuất khẩu từ các nước. "Cạn" đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm của công nhân, thậm chí một số buộc chấm dứt hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương đang tìm những đơn hàng nhỏ để chờ thị trường phục hồi.
Theo các doanh nghiệp tại Bình Dương, vài tháng nay, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Cùng với đó, giá nguyên liệu, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, chỉ 30 - 50% công suất.
Các ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; bên cạnh đó là một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, nhiều ngày nay các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu, cùng nhau họp để tìm phương án khắc phục tình trạng cạn đơn hàng. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều ưu đãi cho phía đối tác là các khách hàng nước ngoài nhưng không khả thi.
"Chúng tôi đã chủ động đề nghị “free ship”, giảm giá đến mấy chục phần trăm cho các đối tác ở nước ngoài mà cũng chịu thua. Lý do là hàng trong kho của họ còn tồn, chưa bán được, thì đặt đơn mới làm gì. Họ nói thế mình cũng phải chịu thôi. Thị trường chung, giờ chỉ còn cách đợi thị trường ổn định", ông Nguyễn Liêm nói.
Trước tình hình hiện tại, để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân, các doanh nghiệp buộc phải đi tìm những đơn hàng nhỏ, giảm bớt chuyền hoặc giảm giờ làm và đợi thị trường phục hồi. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đang cố gắng hợp tác với nhau, chia sẻ đơn hàng với nhau để giữ công nhân.
Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) cho hay, trước khó khăn chung, công ty đang hoạt động chỉ khoảng 50% công suất và buộc phải giảm giờ làm việc của công nhân.
"Chúng tôi không ép công nhân nghỉ mà chỉ giảm giờ làm để giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người lao động tự xin nghỉ về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng... Thực tế 25% số lao động đã nghỉ làm so với trước đây”, ông Hồ Quang Hiệp cho hay.
Còn theo ông Huỳnh Văn Hót, chủ một khu nhà trọ ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương), khoảng gần 3 tháng qua các công ty ít việc làm, do đó công nhân trả phòng về quê rất nhiều.
"Một nửa số phòng ở đây đang trống không, các khu nhà trọ khác cũng trống từ 30 - 45%. Ban đầu công nhân nhận được thông báo cắt tăng ca, rồi lại đến thông báo giảm giờ làm chính... Dần dần, khi tuần chỉ làm được vài buổi nên họ quyết định nghỉ việc, trả phòng về quê", ông Huỳnh Văn Hót cho biết.
Bà Đặng Thị Hường (51 tuổi, quê Nghệ An) vừa nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM).
Tại TP.HCM, mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã có văn bản thông báo về việc sắp xếp làm việc luân phiên đối với công nhân khu xưởng C, D, Y và Hóa công thuộc khối sự nghiệp PCaG. Thời gian áp dụng từ 1/12 đến 28/2/2023. Khoảng thời gian này công ty sẽ sắp xếp công nhân nghỉ tổng cộng 14 ngày. Trong thời gian nghỉ việc, công nhân sẽ được hưởng lương 180.000 đồng/ngày.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam hiện có khoảng trên 50.000 công nhân và là doanh nghiệp có đông lao động nhất TP.HCM hiện nay. Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân của thay đổi trên là do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu và thống nhất, công ty và toàn thể công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp PCaG đã thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên.
Dự kiến kế hoạch nghỉ luân phiên này ảnh hưởng đến khoảng 20.000 công nhân của công ty. Đại diện công ty bày tỏ mong muốn người lao động các xưởng cùng phối hợp thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng đã thông báo cho 1.185 công nhân về việc chấm dứt hợp đồng lao động do "cạn" đơn hàng. Công ty Tỷ Hùng là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày xuất khẩu đi châu Âu.
Gần đây, đối tác nhập khẩu của công ty không ký kết đơn hàng, khiến doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất, buộc phải thu hẹp các dây chuyền. Do đó, từ ngày 1/12/2022, công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn công nhân nói trên, tương đương hơn 60% nhân công của công ty.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, công ty sẽ chi trả trợ cấp mất việc làm bằng 2 tháng tiền lương cho tất cả công nhân nghỉ việc. Những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Công ty cũng sẽ chi tiền thưởng năm 2022 với mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức thưởng sẽ được tính theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của người lao động.
Hay cách đây không lâu, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cũng dự kiến cắt giảm hơn 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Công ty TNHH Việt Nam Samho là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu.
Công nhân trả nhà trọ, khăn gói về quê do thất nghiệp.
Phối hợp, chủ động ứng phó
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay ở Bình Dương có khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phê duyệt quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 70.000 lao động mất việc.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn (ngày 20/11) chỉ đạo các sở, ngành thực hiện biện pháp để ổn định quan hệ lao động trước tình hình khó khăn về đơn hàng khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Còn tại TP.HCM, trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã thẳng thắng thừa nhận các doanh nghiệp đang rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn. Điển hình là nhiều công ty dệt may phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng, đối mặt nhiều khó khăn.
Ông Nhân cho biết, hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu giảm rõ rệt (châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30 - 40%); lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20 - 25%. Từ quý IV và dự báo quý I/2023, khách hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.
Về tình hình lao động trên địa bàn, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, năm nay TP có 27 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc do cơ cấu lại công nghệ cũng như ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều nhà máy, nhiều lao động để thực hiện giám sát, nắm chắc được tình hình và chủ động các biện pháp ứng phó.