Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM cho biết, qua tổng hợp, tính đến tháng 10/2022, có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ... với số lao động bị mất việc lên tới 2.844 người trên tổng số 14.861 người lao động.
Ông Lâm cho rằng, do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)...
Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 công nhân cận Tết do công ty không có đơn hàng, thu hẹp sản xuất.
Để ứng phó với khó khăn, một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất (không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ Bảy hàng tuần), nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới.
"Ngay khi nhận tin doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm lao động, Sở LĐTB&XH đã cử cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP và các phòng nghiệp vụ phối hợp với Phòng LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở để nghe ý kiến của doanh nghiệp, của Công đoàn về các khó khăn sản xuất; tình hình sử dụng lao động, phương án giảm lao động; nguyện vọng của người lao động để kịp thời tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở", ông Lâm nói.
Ngoài ra, Sở LĐTB&XH làm việc trực tiếp với Thường trực UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để nắm cụ thể tình hình, chủ động nắm bắt cơ sở và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động, kết nối nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu làm việc tại các địa phương.
Bên cạnh việc hỗ trợ, Sở hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp giảm lao động thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
"Sở nhận thấy phải nhanh chóng hỗ trợ, kết nối để người lao động sớm có chỗ làm mới để ổn định đời sống thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay lại với thị trường lao động", Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho hay.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Theo ông Lâm, Sở sẽ kết nối các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH với các tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động tỉnh muốn trở về quê làm việc; kết nối với hệ thống các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm để có nhiều kênh thông tin việc làm hỗ trợ người lao động ngay khi doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động.
Trong thời gian tới, để ổn định tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở LĐTB&XH trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, 2 ban quản lý khu và các đoàn thể theo dõi sát tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; Giám sát doanh nghiệp việc thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động; Có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Thứ hai, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, đặc biệt các địa bàn có doanh nghiệp sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động gặp gỡ phỏng vấn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì khát đơn hàng. (Ảnh minh họa)
Thứ ba, giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động theo kế hoạch chung của LĐLĐ TP.
Thứ tư, yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.
Cuối cùng, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động, đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng; hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động.