Sau nhiều năm làm việc, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) thông báo kết thúc hợp đồng với gần 1.200 lao động, những người này đang loay không biết sẽ phải tìm công việc mới như thế nào, nhất là những nữ công nhân đã luống tuổi.
Gần nghỉ hưu thì ai nhận nữa!
Ngày nhận tin mất việc, người phụ nữ 51 tuổi tên Đặng Thị Hường với gương mặt khắc khổ như chết điếng người, không ăn, không ngủ. Hình ảnh cả nhà mong chờ những ngày lễ, Tết bà xách chút quà Sài Gòn về cứ vậy hiện ra trước mắt, cùng những nỗi lo…
"Tính sao đây, tôi cũng không biết bây giờ phải làm như thế nào nữa. Công ty thông báo cho chúng tôi làm hết ngày 30/11, nhưng khóa sổ trước 24/12. Bây giờ cận Tết rồi, mà cái đến cái tuổi gần nghỉ hưu thì ai nhận nữa. Tôi cứ ngỡ mình gắn bó với công ty đến lúc nghỉ hưu, ai ngờ...", nói đến đây, giọng bà Hường nghẹn lại.
Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Tân Bình, TP.HCM sau giờ làm việc.
Trấn an tinh thần, bà Hường cho biết hơn 17 năm qua, bà rời Nghệ An vào TP.HCM làm công nhân, số tiền 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng giúp bà trang trải sinh hoạt, gửi tiền về quê để chăm lo cho con cái, gia đình. Tuy cuộc sống không mấy khá giả nhưng có được việc làm, đặc biệt ở tuổi ngoài 50 với bà là điều may mắn.
Bà Hường cho hay, hôm 31/10 vừa qua, lãnh đạo Công ty Tỷ Hùng thông báo đối tác nhập khẩu bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi tình hình kinh tế khó khăn, nên đã không ký kết đơn hàng. Dù tìm mọi biện pháp nhưng công ty không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch.
Vì thế công ty phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị liên quan, chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 người, trong đó có đến 50% lao động là nữ ngoài 40 tuổi. Trong đợt nghỉ này, công nhân cũ làm vài năm, hay người làm mấy chục năm cũng được công ty trả lương tháng 13 và 2 tháng lương còn lại.
Bà Đặng Thị Hường (51 tuổi, quê Nghệ An) - công nhân Công ty Tỷ Hùng.
Điều này khiến cho việc xoay xở của những công nhân luống tuổi sau khi mất việc khó càng thêm khó. Lúc nhận được thông báo, bà và nhiều công nhân khác bủn rủn chân tay, không ai làm nổi công việc, cơm cũng chẳng nuốt nổi.
"Từ đó đến nay, tối nào tôi cũng không ngủ được, cứ đến công ty là thấy buồn, về nhà thì lại suy nghĩ, chỉ biết khóc một mình, tâm sự với người nhà lại sợ họ lo lắng. Giờ mà về quê cũng không biết làm được gì", bà Hường chia sẻ.
Chỉ còn ít năm nữa thôi, bà Hường sẽ nghỉ hưu, tuy không nhiều nhưng 2 - 3 triệu/tháng ở quê cũng giúp những ngày tháng còn lại của bà bớt cơ cực. Mọi dự định đều tan vỡ, bà Hường buồn bã, xót xa cho hành trình 17 năm gắn bó với công ty. Hàng trăm nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai người phụ nữ này.
"Mọi năm chỉ mong được nghỉ Tết sớm để có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Năm nay được nghỉ sớm rồi đó, mà sao thấy lòng nặng trĩu…”, bà Hường nghẹn ngào.
Bữa cơm ít món lại nhưng nỗi lo tăng lên
Nghĩ đến chiếc áo mới cho con ngày Tết, bà Võ Thị Phượng (44 tuổi, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng) chỉ lắc đầu, thở dài. Mọi năm, dù khó khăn đến đâu, gia đình bà Phượng vẫn cố gắng sắm sửa quần áo mới, mua đồ ăn ngon để đón Tết. Thế nhưng, cái Tết năm nay đang tới gần mà chuyện sắm sửa dường như lại quá xa vời.
Bà Võ Thị Phượng (44 tuổi, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng).
Gần 19 năm rời Trà Vinh lên TP.HCM mưu sinh, bà Phượng chua xót nói đây là lần đầu tiên trong thời gian làm công nhân, bà phải rơi vào hoàn cảnh "lực bất tòng tâm" như vậy.
Những ngày gần đây, bữa cơm của gia đình bà Phượng đã thay đổi, thực đơn ít món nhưng lại nhiều nỗi lo. Gần 19 năm rời bỏ quê hương đi làm ăn xa, bà Phượng chưa một lần ăn nhà hàng, chưa một lần đi đây đi đó. Sau giờ làm, bà về nhà, nấu cơm, ngủ nghỉ, sáng sớm dậy ăn cơm rồi tiếp tục đi làm. Vì kinh tế khó khăn nên chi tiêu trong gia đình cũng phải cân đối, tính toán lại. Năm ngoái phải thắt lưng buộc bụng, năm nay có đỡ hơn một chút, nhưng không ngờ những tháng cuối năm lại gặp biến cố.
So với việc ở quê nhà không có đất đai, ruộng vườn, tiền lương mỗi tháng từ việc làm công nhân giúp bà Phượng lo đủ cho bản thân và gia đình.
"Ngày thường tôi cũng phải tiết kiệm lắm thì may ra Tết mới ấm no. Nhưng giờ đùng cái phải nghỉ việc, thử hỏi tiền ở đâu xoay cho kịp mấy tháng cuối năm, nói chi là ăn Tết", bà Phượng buồn bã nói.
Bà Phượng chuẩn bị cho bữa tối trong căn trọ nhỏ.
Hỏi về tương lai sau khi kết thúc công việc tại Công ty Tỷ Hùng, bà Phượng chỉ lắc đầu và thở dài, vì không biết tương lai sẽ thế nào.
"Dự tính của tôi là làm ở đây lâu dài chứ không nghỉ, nhưng mà đùng cái công ty thông báo cho nghỉ. Tại mình làm ở đây gần 19 năm rồi, thấy công việc cũng ổn. Bây giờ cũng gần 45 tuổi rồi, tôi muốn làm một chỗ, sau này có lĩnh tiền hưu", bà Phượng rớm nước mắt nói.
Theo bà Phượng, lúc đầu nghe mọi người trong công ty bàn tán về kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc nhưng bà không tin, vì thấy công ty của mình lớn và trấn an chỉ là tin đồn. Nào ngờ, bà có trong danh sách bị cắt giảm nhân sự, bà sửng sốt như sét đánh ngang tai.
Tưởng chừng vượt qua được khó khăn sau 2 năm dịch COVID-19, nhưng giờ đây mọi thứ với công ty, với những người đồng nghiệp và ngay cả gia đình bà lại đầy rẫy khó khăn.
"Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện học hành cho con", bà Phượng than thở.
Dãy trọ xập xệ nơi bà Hường và bà Phượng đang ở.
Những ngày làm việc ít ỏi còn lại ở công ty, bà Phượng biết rằng chẳng còn cơ hội nào để mình có thể thoát khỏi cảnh thất nghiệp.
Nhắc đến Tết Nguyên đán sắp tới, bà Phượng cho hay, đây là năm đầu tiên gia đình bà quyết định ở lại TP.HCM ăn Tết vì kinh tế eo hẹp nên không đủ điều kiện về quê.
"Nghĩ đến việc không được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết là thấy chạnh lòng, nhưng khó khăn quá thì đành chịu thôi, biết làm sao được…", bà Phượng rầu rĩ nói.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết, tình hình chung hiện nay các nhà máy dệt may, da giày bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, hàng khó xuất. Vì vậy, một số nhà máy bố trí công nhân làm việc giờ hành chính, không tăng ca, nghỉ luân phiên hoặc giảm lao động.
“Chúng tôi đang chỉ đạo Công đoàn các cấp, những nơi đang bị ảnh hưởng phải nắm kỹ tình hình, hoàn cảnh của những lao động đang mất việc, khó khăn để Công đoàn hỗ trợ. Trong đó sẽ động viên họ dịp Tết sắp tới, hỗ trợ vé xe về quê, các phần quà bằng tiền mặt… Đối với các công nhân ở lại TP.HCM, Công đoàn sẽ tổ chức Tết sum vầy hoặc kết nối việc làm thời vụ vào dịp Tết nếu người lao động có nhu cầu”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, LĐLĐ TP.HCM đang theo dõi và yêu cầu Công đoàn các cơ sở phải nắm rõ tình hình của người lao động đang gặp khó khăn, mất việc trên địa bàn để Công đoàn có phương án hỗ trợ kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong trường hợp không thỏa đáng, công nhân hoàn toàn có thể khởi kiện công ty nếu cảm thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo và công ty không làm đúng quy định pháp luật.
Đối với những đơn vị quá khó khăn, không có điều kiện chăm lo Tết cho người lao động, thì báo cáo lên LĐLĐ TP.HCM để có hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, giám sát việc thực hiện chế độ theo quy định pháp luật như trả trợ cấp mất việc, đặc biệt là chốt sổ BHXH, BHYT để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng như hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Luật Việc làm, để người lao động có điều kiện tham gia trở lại thị trường lao động.