Tờ Financial Times hôm 16/2 đưa tin, Trung Quốc đang xem xét khả năng gây hại cho các nhà thầu quân sự Mỹ bằng việc hạn chế nguồn cung đất hiếm vốn là nguyên liệu thiết yếu đối với ngành công nghệ quốc phòng.
Theo nguồn tin của FT, giới chức Bắc Kinh đã yêu cầu lãnh đạo điều hành các tập đoàn, công ty chuyên về khai thác đất hiếm ở đại lục đánh giá về mức độ tổn thương đối với Mỹ và châu Âu nếu Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong một cuộc đối đầu song phương.
Trung Quốc hiện cung cấp gần 80% đất hiếm sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ bao gồm cả điện thoại thông minh, động cơ xe hybrid và xe điện trên toàn cầu.
Trước việc Bắc Kinh tìm cách cắt nguồn cung đất hiếm với Mỹ và châu Âu, một số quốc gia bắt đầu nhảy vào cuộc và đầu tư mạnh cho lĩnh vực này.
Hoạt động khai thác đất hiếm tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Với cam kết có thể đảm bảo nguồn cung đất hiếm cho các đồng minh của mình như Mỹ và Anh, Australia gần đây đẩy mạnh khai thác đất hiếm để chống lại sự thống trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất quá mức một số nguyên tố như praseodymium và neodymium đang làm ảnh hưởng tới giá của các nguyên tố khác. Praseodymium và neodymium được sử dụng để chế tạo nam châm vĩnh cửu trong máy bay, ô tô điện...
Amanda Lacaze - Giám đốc điều hành của Lynas, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Australia tuần trước cảnh báo nguy cơ xây dựng quá nhiều các mỏ và cơ sở chế biến vì lo ngại lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc.
Lacaze cho rằng việc phân bổ vốn không hiệu quả sẽ khiến các nhà đầu tư chịu thua lỗ.
Các động thái tương tự nhằm thúc đẩy nguồn cung đất hiếm đang được ghi nhận ở Mỹ và Canada.
Dự định cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường của chính nước này.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, Xaio Yaqing thừa nhận một số nguyên tố đất hiếm đang được bán với giá quá rẻ vì sự cạnh tranh khốc liệt trong nước.
Xiao nói thêm rằng một số loại đất hiếm đang được bán với giá ngang với giá đất bình thường.
Nguyên nhân là bởi nhu cầu sử dụng các loại đất hiếm là khác nhau. Trong khi nhu cầu về praseodymium và neodymium là khá cao, các nguyên tố đất hiếm khác như xeri và lantan lại không được xem trọng.
Việc gấp rút phát triển các nguồn cung đất hiếm thay thế làm gợi nhớ về cuộc chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc cách đây hơn 10 năm.
Tranh chấp chủ quyền giữa hai quốc gia này khiến Bắc Kinh ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Đáp trả, Tokyo tài trợ đẩy mạnh khai thác đất hiếm ở mỏ Mt Weld thuộc sở hữu của Lynas.
Theo Forbes, kịch bản cách đây một thập kỷ có thể sẽ không lặp lại chính xác như những gì từng diễn ra. Nhưng các diễn biến gần đây đang kích thích sự phát triển của các mỏ đất hiếm mới, đồng thời đặt ra các thách thức không nhỏ về mặt kỹ thuật và nguồn cung khi khai thác đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nếu không giải quyết được các vấn đề này có thể sẽ phải trả giá nếu cứ lao vào cuộc chơi đầy rủi ro.
Forbes nhận định Trung Quốc đang nắm giữ đất hiếm như một loại vũ khí. Nhưng vũ khí này vô hình trung trở thành con dao hai lưỡi có thể làm hại chính họ và gây hỗn loạn trên thị trường ở các quốc gia khác.