Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhưng không có thuế quan nào được áp với các nguyên liệu đất hiếm. Hiện tại, theo Asia Times, Mỹ và các đồng minh hàng đầu châu Á phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về các sản phẩm và kim loại đất hiếm.
Vì thế, nếu Trung Quốc sử dụng "vũ khí" đất hiếm, tình huống này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn tác động đến khả năng cạnh tranh, thậm chí có thể tạm dừng thị trường xe hơi chạy bằng pin phụ thuộc vào vật liệu đất hiếm của Mỹ.
Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 97% quặng đất hiếm, 97% oxit đất hiếm, 89% hợp kim đất hiếm, 75% nam châm boron sắt neodymium (NdFeB) và 60% nam châm coban samarium (SmCo). Mỹ thiếu khả năng sàng lọc, sản xuất, chế tạo kim loại, hợp kim và nam châm để xử lý đất hiếm và gần như phụ thuộc vào Trung Quốc.
(Ảnh: Reuters)
Ứng dụng quốc phòng
Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các ứng dụng thương mại và quốc phòng. Ví dụ, mỗi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia sử dụng 4.173 kg kim loại đất hiếm, trong khi các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke cần khoảng 2.358 kg kim loại đất hiếm - có 66 tàu khu trục đang hoạt động và 14 chiếc đang được chế tạo hoặc đặt hàng.
Mỗi máy bay tiêm kích tấn công F-35 cần tới 417 kg kim loại đất hiếm - 380 chiếc đã được chế tạo cho đến nay và tổng số đặt mua của riêng Mỹ đã là 2.663 máy bay, trong khi Nhật Bản sắp đặt thêm 105 chiếc.
Lĩnh vực quốc phòng của Mỹ sử dụng các vật liệu đất hiếm chỉ chiếm chưa đến 5% lượng tiêu thụ trong nước. Nhưng nó được dành cho các ứng dụng rất quan trọng như bộ phận trong hệ thống dẫn đường và điều khiển tên lửa, động cơ ổ đĩa được lắp đặt trong máy bay, xe tăng, hệ thống tên lửa và trung tâm chỉ huy và điều khiển, laser để phát hiện mìn, dò mìn dưới nước, hệ thống thông tin vệ tinh, radar và sonar trên tàu ngầm và tàu mặt nước và thiết bị quang học.
Liên minh Công nghệ Đất hiếm cho biết: "Những hệ thống điện trong máy bay sử dụng nam châm vĩnh cửu samarium-coban (đất hiếm) để tạo ra năng lượng. Những nam châm này cũng rất cần thiết cho nhiều hệ thống vũ khí quân sự".
Phương án Nhật Bản
Theo Asia Times, phương án tốt nhất với Mỹ nếu Trung Quốc cắt nguồn cung đất hiếm là hợp tác với Nhật Bản. Nhật Bản đã phát hiện các trữ lượng khổng lồ vật liệu đất hiếm tại đảo Minamitori (Minami Tori-shima), khoảng 1.150 dặm (1.850 km) về phía Đông Nam Tokyo.
Ước tính trữ lượng tại Minamitori có đủ yttrium để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong 780 năm, dysprosium trong 730 năm, europium trong 620 năm và terbium trong 420 năm.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể tìm kiếm sự hợp tác với Nhật Bản trong việc thương mại hóa tài nguyên đất hiếm tại Minamitori, và sắp xếp nguồn cung cấp đảm bảo cho các ứng dụng thương mại quan trọng và quốc phòng.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo không đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp gần đây ở Tokyo được coi là điều đáng tiếc. Theo các chuyên gia, nếu Mỹ và Nhật Bản xem xét vấn đề an ninh và cung ứng quốc gia, có thể có một cơ hội ngắn hạn và trung hạn để chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về các vật liệu đất hiếm.