Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều chưa biết về 2 nhà sản xuất tiêm kích lừng danh Sukhoi và MiG

(VTC News) -

Đứng trước yêu cầu hiện đại hóa lực lượng không quân, Liên Xô quyết định thành lập đồng thời hai cục thiết kế máy bay mới gồm MiG và Sukhoi ngay trong năm 1939.

Từ sản xuất chiến đấu cơ đến tim nhân tạo

Năm 1936, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã đưa ra yêu cầu về một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm, có khả năng do thám và tấn công mục tiêu ngay sau đó. Thiết kế sư Pavel Osipovich Sukhoi chính là người được giao nhiệm vụ chế tạo đề án máy bay này, dưới sự giám sát của nhà thiết kế máy bay hàng đầu của Liên Xô thời điểm đó là Andrei Tupolev.

Kết quả của đề án là sự ra đời của mẫu máy bay trinh sát và ném bom ANT-51, với chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/1937. Sau đó, ANT-51 được đổi tên thành Sukhoi Su-2, chính thức trở thành chiếc máy bay đầu tiên do Sukhoi tự chế tạo và được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Phải nói thêm rằng đây chính là tiền đề quan trọng để Sukhoi và các đồng sự của mình xây dựng nên phòng thiết kế máy bay số 51 (OKB-51) vào ngày 29/7/1939 - tiền thân cục thiết kế máy bay Sukhoi lừng danh sau này.

Máy bay trinh sát và ném bom Sukhoi Su-2, khởi đầu cho cục thiết kế lừng danh Sukhoi. (Ảnh: Alan Wilson)

Thời kỳ này, các dòng máy bay chiến đấu do Sukhoi chế tạo luôn gắn liền lịch sử phát triển của lực lượng không quân Liên Xô từ cuối những năm 1930 cũng như góp phần làm nên chiến thắng của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại sau đó.

Sau chiến tranh, ngành công nghiệp hàng không Liên Xô được tập trung vào phát triển các loại máy bay phản lực, và một lần nữa phòng thiết kế Sukhoi lại đi đầu trong việc cho ra đời những chiếc máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Liên Xô như Su-9, Su-11, Su-13, Su-15 và Su-17 (1949).

Dù cho ra đời khá nhiều mẫu máy bay chiến đấu phản lực khác nhau, nhưng chỉ có một số ít máy bay của Sukhoi được đưa vào sản xuất hàng loạt. Điều này tạo ra nhiều thông tin không tốt cho Sukhoi, cộng thêm đó là vụ tai nạn thử nghiệm máy bay phản lực Sukhoi Su-17 vào năm 1949 đã dẫn đến việc cục thiết kế này bị buộc tạm ngừng hoạt động trong cùng năm.

Đến năm 1953, cục thiết kế Sukhoi được phép hoạt động trở lại, có vẻ trong khoảng thời "tạm nghỉ" các thiết kế sư chủ chốt của Sukhoi đã tìm được hướng đi mới cho mình, họ một lần nữa vượt qua mọi giới hạn công nghệ cho ra đời mẫu cường kích (máy bay tấn công mặt đất) cánh cụp cánh xòe Sukhoi Su-17.

Nhưng Su-17 chưa phải bước đột phá quan trọng Sukhoi đạt được mà nó đến từ nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược, trinh sát và đánh chặn siêu âm có tên mã Sukhoi T-4, thiết kế của T-4 được các chuyên gia quân sự lúc đó là đánh giá là đã đi trước thời đại hơn 20 năm. Đây cũng là nền tảng để Sukhoi phát triển nên nhiều dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới của Liên Xô, điển hình như mẫu tiêm kích bom Sukhoi Su-24 huyền thoại vẫn đang được không quân Nga sử dụng.

Tiêm kích bom cánh cụp cánh xòe Sukhoi Su-24 của không quân Nga. (Ảnh: peakpx)

Sau thành công của Su-24 vào năm 1970, Sukhoi tiếp tục cho ra đời đứa "con cưng" tiếp theo của mình là cường kích Su-25 được thiết kế dành riêng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Cho đến tận ngày nay Su-25 vẫn là một trong dòng máy bay chiến đấu xương sống của không quân Nga, cùng với đó là những người anh em của nó như tiêm kích Su-27, Su-30 và tiêm kích trên hạm Su-33.

Dù nổi tiếng trong ngành công nghiệp quân sự, nhưng các thiết kế sư của Sukhoi cũng phát triển các công nghệ dân sự. Đáng chú ý nhất, Sukhoi là một trong những công ty công nghệ tiên phong trên thế giới phát triển tim nhân tạo trong giai đoạn từ năm 1960-1970 và các phát minh của Sukhoi vẫn còn được ứng dụng cho đến ngày nay.

Từ đầu năm 1990 trở đi, công ty chế tạo máy bay Sukhoi bắt đầu lấn sân sang thị trường hàng không dân dụng khi phát triển các dòng máy bay chở khách thương mại và máy bay phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Và thành quả đầu tiên của Sukhoi là việc cho ra đời dòng máy bay chở khách thương mại Sukhoi Superjet 100.

Hiện nay, bên cạnh các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4, Sukhoi tiếp tục là công ty chế tạo máy bay đi đầu ở Nga trong việc phát triển các dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 như Sukhoi Su-57, Su-75 và cả máy bay không người lái tàng hình S-70. Các mẫu máy bay này đều đang và sẽ được trang bị cho không quân Nga.

Bộ tem kỷ niệm do Sukhoi phát hành cùng các mẫu máy bay do công ty này phát triển trong suốt 80 năm qua. (Ảnh: Sukhoi)

Mikoyan-Gurevich nơi bắt đầu những kỷ lục

Ngày 8/12/1939, phòng thiết kế máy bay Moscow số 1 (OKB 155) được Liên Xô thành lập, đây chính là tiền thân của cục thiết kế Mikoyan-Gurevich (MiG) sau này. Với nhiệm vụ hết sức quan trọng là phát triển các dòng máy bay tiêm kích thế hệ mới cho không quân Liên Xô trong giai đoạn cuối những năm 1930.

Khác với các cục thiết kế Tupolev (do Andrei Tupolev đứng đầu) và Sukhoi (Pavel Sukhoi), OKB 155 được xây dựng dựa trên sự hợp tác của hai thiết kế sư Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich, MiG cũng là tên viết tắt của hai ông.

Trước khi OKB 155 thành lập, MiG đã nhận nhiệm vụ phát triển I-200, một mẫu tiêm kích được kỳ vọng sẽ giúp không quân Liên Xô có khả năng chiếm ưu thế trên không trước một cuộc xung đột với người Đức, đề án I-200 sau này còn được biết tới với cái tên MiG-1.

Nhắc đến MiG-1, mẫu máy bay này được xem là một kỳ tích ở Liên Xô khi đó bởi MiG chỉ mất 132 ngày để thiết kế và cho ra nguyên mẫu đầu tiên. Nó nhanh chóng được không quân Liên Xô đón nhận với hơn 100 chiếc được chế tạo.

Cảm thấy chưa hài lòng với MiG-1, Mikoyan và Gurevich cho ra đời MiG-3 một phiên bản nâng cấp của người tiền nhiệm với thiết kế được tối ưu giúp nó cơ động hơn trên không. Vận tốc bay tối đa của MiG-3 khi đó có thể đạt lên đến 640km/h một kỷ lục thế giới vào thời điểm đó.

Tiêm kích MiG-3 "người kế nhiệm" từ thành công của MiG-1. (Ảnh: peakpx)

Chính các dòng chiến đấu cơ do MiG phát triển (MiG-1, MiG-3, MiG-7...) cũng đóng góp lớn cho chiến thắng nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Sự thành công của MiG chỉ sau thời gian ngắn thành lập rõ ràng có sự đóng góp không hề nhỏ của cả Mikoyan và Gurevich, dù hai ông đều cùng đứng tên trong các đề án tiêm kích thành công của MiG nhưng tên tuổi Mikhail lại có phần tỏa sáng hơn người đồng sự.

Thế chiến thứ 2 kết thúc, MiG cũng cho thấy họ biết cách đi trước thời đại với việc cho ra đời một loạt mẫu máy bay phản lực chỉ trong thời gian ngắn. Thành công nhất trong số đó có thể kể tới MiG-15 chiến đấu cơ phản lực tốt nhất của không quân Liên Xô trong những năm 1950, nó còn là dòng máy bay chiến đấu phản lực được sản xuất nhiều nhất thế giới với hơn 15.000 chiếc.

Trong giai đoạn này Mikoyan tiếp tục thể hiện bản thân là thiết kế sư tiên phong trong phát triển các dòng chiến đấu cơ phản lực, sau thành công của MiG-15, những các tên tạo nên "huyền thoại của MiG tiếp tục xuất hiện như MiG-17, MiG-19… Trong đó, MiG-19 là tiêm kích siêu thanh đầu tiên của Liên Xô.

MiG-15 - chiến đấu cơ phản lực được sản xuất nhiều nhất thế giới. (Ảnh: Wikimedia)

Tuy nhiên, mẫu máy bay giúp MiG trở thành "đài tượng bất tử" trong ngành công nghiệp hàng không thế giới lại là dòng tiêm kích phản lực MiG-21 huyền thoại - "ông vua" của bầu trời suốt hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên nó được giới thiệu (1955). MiG-21 cũng là chiến đấu cơ phản lực siêu thanh được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không với hơn 11.400 chiếc.

Hai mẫu chiến đấu cơ cuối cùng được phát triển ở MiG dưới sự giám sát của Mikoyan và Gurevich là tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 và tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-25.

Có thể nói Artem Mikoyan chính là "vị thuyền trưởng" giúp MiG vượt qua mọi thử thách và đạt được những thành công chưa từng có tiền lệ, dưới thời ông đã có hơn 50 kỷ lục thế giới đã được các dòng máy bay MiG thiết lập. Điều này góp phần không nhỏ vào sự phát triển của không quân Liên Xô và cả Nga hiện tại.

Artem Mikoyan (bên phải) và Mikhail Gurevich, hai "vị thuyền trưởng" đưa MiG đến đỉnh cao vinh quang trong ngành công nghiệp hàng không thế giới. (Ảnh: MiG)

Qua hơn 80 năm, cục thiết kế MiG vẫn là một trong những công ty chế tạo máy bay hàng đầu của Nga, với khoảng 450 máy bay các loại từng được MiG phát triển, trong số đó có 94 mẫu được sản xuất hàng loạt. Tổng cộng có khoảng 45.000 máy bay mang thương hiệu MiG được chế tạo, 11 nghìn chiếc trong số đó được xuất khẩu, đó là còn chưa kể đến 14.000 máy bay được sản xuất ở một số quốc gia theo giấy phép chuyển giao công nghệ.

Máy bay chiến đấu của MiG đã bảo vệ bầu trời của hơn 40 quốc gia trên thế giới khỏi các cuộc xâm lược từ bên ngoài. Trong số đó có những máy bay chiến đấu nổi tiếng như MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21, MiG-23, MiG-25, MiG-29 và MiG-31.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới