Hóa thạch dấu chân có niên đại 100.000 năm vào cuối kỷ Pleistocen được hai nhà sinh vật học phát hiện vào tháng 6/2020.
Địa điểm tìm thấy hóa thạch nằm trên bãi biển Matalascanas ở Tây Ban Nha. Đây là nơi tổ tiên loài người hiện đại uống rượu, săn bắn, tìm kiếm hải sản và thậm chí cho con cái của họ chơi dưới nước cùng động vật.
Theo các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Huelva, đây là ví dụ sớm nhất được biết đến về dấu chân của người Neanderthal trên bán đảo Iberia. Người Neanderthal là họ hàng gần gũi với người hiện đại (Homo Sapien).
Có ít nhất 87 dấu chân được tìm thấy ở Matalascanas. Trong số này có bằng chứng về hoạt động nhảy múa của một đứa trẻ Neanderthal.
Hóa thạch của dấu chân trên bãi biển Tây Ban Nha. (Ảnh: Nature)
Theo tác giả nghiên cứu Eduardo Mayoral, các dấu chân hóa thạch mang tới những khoảnh khắc "đóng băng" nhất định về sự tồn tại của người Neanderthal.
Mayoral và cộng sự xem xét các dấu chân thông qua các mô hình 3D và thực hiện phân tích trầm tích để mô tả đặc điểm của chúng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các dấu chân có gót chân tròn, các ngón chân tương đối ngắn và ngón chân cái không đối nhau.
Trong số 87 dấu chân, 37 dấu chân đủ hoàn chỉnh để phản ánh kích thước của bàn chân người Neanderthal, dài từ 12 đến 27 cm. Từ chiều cao bàn chân, nhóm nghiên cứu ước tính người Neanderthal cao từ 102 cm đến 185 cm.
"Sự đa dạng về kích thước của các dấu chân cho thấy sự tồn tại của một nhóm xã hội, bao gồm các cá nhân thuộc các lứa tuổi khác nhau", ông Mayoral cho biết.
Có 7 dấu chân trẻ em, 15 dấu chân thanh thiếu niên và 9 dấu chân người lớn. Hai dấu chân nhỏ nhất thuộc về trẻ sáu tuổi.
Bốn dấu chân dài nhất của một người cao hơn 1,8 m.
Theo Mayoral, nhóm của ông sẽ nghiên cứu thêm về vị trị dấu chân để tìm hiểu rõ hơn về hành vi của nhóm người Neanderthal.
Gần 1/4 trong số 87 dấu chân là của trẻ em và các dấu chân được tìm thấy ở rìa của nơi từng là hố nước. Điều này có thể liên quan tới chiến lược săn bắt, rình rập các loài động vật dưới nước của người Neanderthal.