Vụ việc ĐBQH Phạm Phú Quốc (đoàn ĐBQH TP.HCM) nhập quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018 vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. VTC News có cuộc trò chuyện với TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp cần phải nhìn nhận thế nào dưới góc độ luật pháp, thưa ông?
Trường hợp đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) có quốc tịch Cộng hoà Síp cũng gần giống như vụ việc của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhập quốc tịch Cộng hòa Malta nhưng không kê khai trong hồ sơ ứng cử ĐBQH hồi năm 2016. Khi đó, bà Hường đã bị bác tư cách ĐBQH.
Ở đây, nếu đúng là năm 2018 (hai năm sau ứng cử ĐBQH), ông Phạm Phú Quốc mới nhập quốc tịch Cộng hoà Síp thì việc một đại biểu đương nhiệm nhập quốc tịch khác vẫn phải được báo cáo các cơ quan của Quốc hội. Khi đó, việc này chắc chắn không được chấp thuận.
Trong lịch sử Quốc hội Việt Nam chưa từng có tiền lệ ĐBQH mang 2 quốc tịch. Ngay cả những Việt kiều về nước tham gia Quốc hội như ông Nguyễn Ngọc Trân (ĐBQH 3 khoá IX, X, XII, thuộc đoàn ĐBQH An Giang), hay ông Trần Hà Anh (Quảng Bình) khi làm ĐBQH, đều chỉ lấy một quốc tịch Việt Nam chứ không có chuyện có hai quốc tịch.
Việc đại biểu Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp khi đương nhiệm là không đúng quy định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đại biểu cố tình mang quốc tịch quốc gia khác là vi phạm
- Nhiều người băn khoăn việc Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành không quy định cụ thể về quốc tịch mà Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi (có hiệu lực từ năm 2021) mới nói rõ vấn đề này, thưa ông?
Nói Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành không quy định cụ thể là chưa chính xác. Về quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tại Chương 2, Điều 22 nói về tiêu chuẩn của ĐBQH có nêu nhiều tiêu chuẩn, trong đó có nói ĐBQH là công dân Việt Nam.
Đến Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 (có hiệu lực từ năm 2021) có bổ sung “ĐBQH chỉ có một quốc tịch Việt Nam” nhưng thực ra sự bổ sung này chỉ là rõ hơn về câu chữ, thực chất luật năm 2014 đã quy định ĐBQH phải là công dân Việt Nam.
Theo định nghĩa của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì ĐBQH là cán bộ, mà đã là cán bộ thì phải là công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam.
Dẫn chiếu định nghĩa về người Việt Nam, công dân Việt Nam ở Luật Quốc tịch năm 2008, tại Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch đã nêu rõ “Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Luật Quốc tịch năm 2008 thừa nhận trường hợp người Việt Nam có hai quốc tịch nhưng chỉ trong một số trường hợp như tạo điều kiện cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có điều kiện sinh sống, làm ăn ở nước ngoài thuận lợi... Đối với người Việt Nam đang định cư ở Việt Nam mà muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì phải xin thôi quốc tịch Việt Nam.
ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận nhập quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018.
Ở đây có sự liên quan giữa Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức và cả khái niệm công dân Việt Nam theo Luật Quốc tịch. Có thể thấy ông Phạm Phú Quốc đã làm trái quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Ông Phạm Phú Quốc còn là Đảng viên và cán bộ, công chức thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Không có điều luật nào cho phép ĐBQH của Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài cả.
Các luật đều liên quan và ràng buộc với nhau nên nếu chỉ căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành và nói Luật này không quy định cụ thể là không đúng.
- Như vậy, ông Phạm Phú Quốc muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì bắt buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam?
Ở đây, ngay cả trong trường hợp ông Phạm Phú Quốc xin thôi quốc tịch Việt Nam thì cũng có thể được chấp thuận hoặc không được cho thôi.
Trong Luật Quốc tịch quy định rõ nếu việc cho thôi quốc tịch mà làm phương hại đến lợi ích quốc gia thì sẽ không được chấp thuận.
Trong trường hợp này, ông Phạm Phú Quốc đang là ĐBQH ở Việt Nam nên chỉ được phép xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu xin thôi làm ĐBQH. Còn đang là ĐBQH của Việt Nam mà lại xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì rõ ràng đã có nguy cơ làm phương hại đến lợi ích quốc gia.
dinh xuan thao.jpg
Là đại biểu Quốc hội mà có quốc tịch nước ngoài thì lấy gì để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.
TS Đinh Xuân Thảo
- Trả lời báo chí, đại biểu Phạm Phú Quốc nói ông được vợ con bảo lãnh cho quốc tịch Cộng hoà Síp, không có chuyện ông mua quốc tịch. Điều này có phù hợp, thưa ông?
Không thể có chuyện bảo lãnh quốc tịch, điều đó là không đúng vì quốc tịch liên quan trực tiếp đến nhân thân. Không có chuyện gia đình bảo lãnh cho được.
Đến nay, sự việc vẫn chưa được ông Phạm Phú Quốc báo cáo lên các cơ quan của Quốc hội, mà bây giờ mới làm thủ tục để báo cáo thì đã muộn.
- Trường hợp này có thể bị xử lý thế nào, thưa ông?
Mức xử lý nhẹ nhất có thể sẽ là cho thôi ĐBQH, còn nếu nặng hơn thì có thể sẽ tiếp tục có những hình thức xử lý khác.
Theo tôi, ở trường hợp này khi đã thấy việc mình làm là không đúng thì cũng nên tự nguyện xin thôi tư cách ĐBQH.
- Ông Phạm Phú Quốc không phải trường hợp đầu tiên là người mang trọng trách ở cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhưng lại lựa chọn nhập quốc tịch nước ngoài?
Việc này thực ra chưa phải phổ biến, chỉ là cá biệt nhưng có thể nói là điều rất đáng trách đối với các ĐBQH.
Đã vào cơ quan lập pháp thì phải hiểu biết pháp luật, phải tìm hiểu kỹ để nắm và thực hiện cho tốt. Người ĐBQH phải xác định được vấn đề, trách nhiệm của mình. Là ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì lấy gì để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc ở đây.
Rõ ràng ông Phạm Phú Quốc không phải là trường hợp đầu tiên. Ngay đầu khoá đã xảy ra trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi đã được bầu trúng nhưng Quốc hội không phê chuẩn tư cách đại biểu vì thiếu trung thực khi không kê khai việc nhập quốc tịch Malta. Ông Phạm Phú Quốc lúc đó đang là ĐBQH, biết rất rõ chuyện đấy nhưng lại để diễn ra với mình.
- Nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người, cơ quan giới thiệu, thẩm tra các vị đại biểu không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất này, thưa ông?
Ở đây cũng phải có trách nhiệm của các cơ quan giới thiệu, thẩm tra. Trong Luật có quy định về quyền ứng cử, công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn có quyền ứng cử hoặc trường hợp có người giới thiệu thì phương diện tổ chức cần phải lưu ý.
Ta đã có Hội đồng Bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định thì phải có trách nhiệm trong đó. Luật Bầu cử ĐBQH, Hội đồng Nhân dân cũng quy định rất rõ. Tất cả những cá nhân, tổ chức từ Hội đồng Bầu cử quốc gia trở xuống rõ ràng phải có trách nhiệm trong việc sàng lọc các ứng cử viên ĐBQH cho đến khi hiệp thương của Mặt trận, rồi đến khi đưa ra bầu ở các đơn vị bầu cử.
Xác định trách nhiệm của người giới thiệu và quy rõ thật chặt trách nhiệm của người giới thiệu sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực.
Ở Quốc hội khoá XIII, tôi từng phát biểu về vấn đề giới thiệu một số người không đảm bảo tiêu chuẩn. Trong luật có nhiều quy định, sàng lọc cũng nhiều khâu nhưng nhiều lúc chưa thực sự kỹ càng và dẫn đến bỏ lọt.
Trong những khoá gần đây đã để xảy ra nhiều trường hợp và điều này cần phải chấn chỉnh.
Ngày 24/8, hãng tin Al Jazeera (hãng tin Nhà nước của Qatar) tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cyprus (Cộng hòa Síp), cho phép các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu.
Theo thông tin này, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tiên sở hữu hộ chiếu quốc đảo nhỏ tại Địa Trung Hải sẽ đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Ông Phạm Phú Quốc, ĐBQH Đoàn TP.HCM bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.
Ngày 25/8, trả lời báo Tuổi trẻ, đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tuý - Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cho tới nay, các cơ quan của Quốc hội chưa nhận được báo cáo nào về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai tại Cyprus (Công hoà Síp).
Ông Tuý cho biết, theo quy trình, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ phải có báo cáo về việc này. Sau đó Mặt trận Tổ quốc có ý kiến liên quan. Sau quy trình xác minh, lấy ý kiến này, toàn bộ hồ sơ sẽ được báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông Trần Văn Tuý cũng cho biết, trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định rõ về việc ĐBQH không được có 2 quốc tịch. Luật cũ trước đây tuy không quy định nhưng tinh thần một ĐBQH là không được có 2 quốc tịch.